Báo động vi phạm quyền SHTT dù Việt Nam tham gia nhiều công ước

Đây là nghịch lý được TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu ra tại Hội thảo 'Chống hàng giả, hàng nhái và Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ' ngày 6/6 tại Hà Nội.

Hội thảo do Trung tâm Ứng dụng Công nghệ khai thác Quyền Sở hữu Trí tuệ (IPTA) phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức, nhằm giúp các doanh nghiệp kết nối, trình bày, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, cũng như những giải pháp, đề xuất có liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam.

Vấn nạn hàng giả vẫn nhức nhối

Phản ánh về thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, ông Nguyễn Phương Minh, Phó Trưởng phòng Thực thi giải quyết khiếu nại (Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT diễn ra ngày càng phức tạp, trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến. Phần lớn hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ được sản xuất ở nước ngoài và đưa vào Việt Nam bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch, trong đó chủ yếu là tiểu ngạch. Đặc biệt, theo ông Minh, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm SHTT ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, vấn nạn hàng giả không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn là vấn nạn chung trên thế giới, ngay cả ở những nước phát triển.

Trong khi đó, hàng giả tại Việt Nam xuất hiện tràn lan từ vật tư, máy móc, thiết bị, tiền, văn bằng, chứng chỉ, đặc biệt là hàng giả có liên quan đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...

Hội thảo "Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền SHTT" ngày 6/6 tại Hà Nội. (Ảnh: Châu Khanh)

"Vấn nạn hàng giả không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước do thất thu thuế; cho doanh nghiệp làm ăn chính đáng do ảnh hưởng uy tín thương hiệu, giảm thị phần; cho chính sách thu hút đầu tư nước ngoài do môi trường cạnh tranh không lành mạnh mà còn gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tính mạng cho người dùng”, ông Hùng quan ngại.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, câu chuyện chống hàng giả hàng nhái, bảo vệ quyền SHTT tại Việt Nam không mới. Việt Nam tham gia khá nhiều công ước về SHTT song lại đứng “bét” về thực thi bảo vệ SHTT.

“Đây là điều rất đáng lo ngại bởi một số hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới mà chúng ta tham gia ký kết như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều có cam kết SHTT rất cao. Nếu chúng ta ‘chơi’ không nghiêm túc thì sẽ thua”, ông Thành phân tích.

Ông Thành cho hay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có tư tưởng và cách thức làm ăn chộp giật, chỉ tính đến lợi nhuận tức thì, sẵn sàng bất chấp quy định. Thực tế cho thấy, vi phạm ngày càng phức tạp, tinh vi, phức tạp.

Doanh nghiệp còn thờ ơ và dễ dãi

PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Thương hiệu (Đại học Thương Mại) dẫn số liệu một khảo sát do Đại học Thương mại thực hiện cho thấy, có đến 91/250 doanh nghiệp (chiếm 36,4%) chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ thương hiệu của mình. Một bộ phận khác được cho là chưa có nhiều kiến thức về bảo vệ thương hiệu, mới chủ yếu tập trung vào việc ổn định doanh nghiệp trước những bất ổn của thị trường. Tuy nhiên, một bộ phận ngay từ đầu đã không quan tâm vì không có ý định làm ăn ổn định lâu dài.

Một vấn đề đáng lưu tâm, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Thịnh đó là lòng tin của không ít doanh nghiệp đối với vấn đề hiệu lực thực thi quyền SHTT và bảo hộ các đối tượng SHTT của Việt Nam không cao, dẫn đến tình trạng sản xuất và kinh doanh hàng giả tràn lan.

“Một mâu thuẫn dễ nhận thấy đó là 56/70 doanh nghiệp lo ngại mẫu sản phẩm của mình bị sao chép, nhưng có đến 46/70 doanh nghiệp sẵn sàng sao chép toàn bộ hoặc một phần của người khác”, ông Thịnh dẫn chứng.

Hàng giả, hàng nhái vẫn "sống khỏe" tại Việt Nam. (Nguồn: Báo Đất Việt)

Khi phân tích về các biện pháp tự bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, PGS. TS Nguyễn Quốc Thịnh đã chỉ ra một thực tế là hầu như các doanh nghiệp Việt Nam còn khá dễ dãi với những xâm phạm thương hiệu, rất it rà soát thị trường và hệ thống phân phối để phát hiện xâm phạm. Thậm chí, khi họ phát hiện xâm phạm lại “nhẫn nại tự chịu” mà ít có biện pháp đối phó.

“Nhiều doanh nghiệp ngại không hợp tác với cơ quan chức năng chống hàng giả thì hành vi làm giả sẽ ngày càng tinh vi và đến khi công bố nhãn hàng này có hàng giả thì người tiêu dùng sẽ sợ và không dám mua”, vị chuyên gia này cảnh báo.

Các chuyên gia khuyến nghị, tình trạng xâm phạm SHTT như xâm phạm tên miền, kinh doanh hàng giả qua mạng, rất khó kiểm soát. Do đó, doanh nghiệp cần thực hiện 2 quy tắc trong xác lập quyền SHTT: Ưu tiên người xác lập trước; Ưu tiên người sử dụng trước. Điều này đang được nhiều quốc gia vận dụng.

Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức, tư duy trong cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, để sau một vài chục năm nữa, người tiêu dùng Việt Nam thông minh hơn trong nhận thức và tiêu dùng sản phẩm.

Châu Khanh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/bao-dong-vi-pham-quyen-shtt-du-viet-nam-tham-gia-nhieu-cong-uoc-72443.html