Báo động vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

Dịch Covid-19 tạm lắng xuống cũng là lúc người dân trở lại với nhịp sống thường nhật. Tuy vậy, nhiều người đang tỏ ra chủ quan khi tham gia giao thông, đặc biệt là tình trạng lái xe sau khi uống rượu, bia có chiều hướng gia tăng.

Tái diễn sử dụng rượu bia tham gia giao thông

Đầu năm 2020, khi Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, lực lượng CSGT toàn quốc đã tăng cường xử lý mạnh tay đối với các vi phạm về nồng độ cồn. Nhờ đó, tình trạng sử dụng rượu, bia trước khi lái xe có xu hướng giảm đáng kể. Tuy nhiên, ngay sau thời gian nới lỏng giãn cách xã hội, nhà hàng, quán nhậu trở lại với nhịp sôi động thường nhật sau thời gian dài "ngủ đông".

Ghi nhận tại một số quán bia trên địa bàn Hà Nội, bất kể trưa hay chiều, không hiếm khách đi xe máy hoặc ô tô ra về trong trạng thái mặt đỏ tưng bừng. Nhiều vị khách sau khi nhậu xong đi còn không vững nhưng vẫn trèo lên xe phóng ra đường.

 Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn lái xe trên đường Tố Hữu. Ảnh: Chiến Công

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn lái xe trên đường Tố Hữu. Ảnh: Chiến Công

Chị Đinh Thùy Trang (28 tuổi, trú tại quận Đống Đa) cho biết, buổi tối trên những trục đường như Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn, Tây Sơn… nhiều xe máy đi rất nhanh, trong đó không ít người nồng nặc mùi rượu. Anh Nguyễn Thanh Sơn (42 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy) cho hay, anh từng chứng kiện nhiều vụ lái xe say rượu gây tai nạn, sau đó còn mắng chửi nhau, xô xát, gây mất trật tự an ninh.

Nhiều trường hợp lái xe sau khi uống rượu bia còn gây ra những tai nạn đau lòng. Cách đây chưa lâu, vào khoảng 18 giờ ngày 8/5, Trưởng ban Nội chính, Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Văn Điều khi điều khiển xe ô tô trong tình trạng say xỉn đã gây tai nạn trên địa bàn phường Tiền Phong, TP Thái Bình, khiến 1 người chết, 2 người bị thương. Hay mới đây, sự việc khiến dư luận “dậy sóng” vừa xảy ra tại Hà Nội cũng liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia.

Vào khoảng 23 giờ đêm ngày 13/6, tại đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), nam thanh niên tên Ngọc (30 tuổi, quê Thanh Hóa) trong tình trạng say xỉn điều khiển xe máy chở theo 2 người đã va chạm với một xe máy của đôi vợ chồng đi cùng chiều. Cú đâm mạnh khiến người vợ đang mang thai ngã xuống đường, phải đưa đi cấp cứu. Đau lòng hơn là thai nhi 32 tuần tuổi của cặp vợ chồng này đã không có được cơ hội chào đời.

Đừng quên Nghị định 100

Nhiều người dân cho rằng, việc lái xe sử dụng rượu bia có chiều hướng gia tăng như hiện nay là rất đáng báo động. Dường như nhiều người đã quên Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 đã từng được các lực lượng chức năng siết chặt và đi vào nề nếp trong thời gian đầu năm.

Nhận định về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, sau thực hiện giãn cách xã hội, tâm lý người dân còn chủ quan với các quy định về ATGT, khách đến nhà hàng ăn uống tăng đột biến. "Chúng ta dễ dàng nhìn thấy ở các quán bia vỉa hè, nhà hàng, khách ăn uống rượu bia xong lái ô tô, xe máy, đây là một sự chủ quan nguy hiểm. Đã đến lúc chúng ta phải ngăn chặn" – bà Phan Thị Mỹ Dung bày tỏ quan điểm.

Đồng tình với ý kiến trên, đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết: "Nhìn vào thực tế thấy rõ, thời gian qua có rất nhiều vụ việc hết sức nghiêm trọng xảy ra mà nguyên nhân do rượu bia. Do đó việc cấm tuyệt đối uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông là điều hết sức nên làm".

Thực tế, ngay sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, đặc là sau dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình vi phạm trật tự, ATGT có xu hướng gia tăng. Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch về tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó chú trọng đến việc kiểm tra, xử phạt các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: Vi phạm nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ; vượt đèn đỏ… Qua đó, từng bước siết chặt các hành vi vi phạm, kéo giảm TNGT và xây dựng văn hóa giao thông văn minh hơn.

“Khi đối diện với mức phạt cao, từ 30 – 40 triệu đồng đối với ô tô và từ 6 – 8 triệu đồng đối với xe máy, đồng thời tước Giấy phép lái xe đến 24 tháng theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chắc chắn nhiều người không còn tùy tiện khi sử dụng bia rượu” – một người dân nhận định.

Theo số liệu của Cục CSGT, trong 1 tháng thực hiện tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ (từ 15/5 - 14/6), lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra xử lý 357.975 vi phạm về trật tự ATGT, trong đó có 18.022 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Riêng tại Hà Nội, CSGT đã xử lý 65.025 vi phạm, trong đó có 969 vi phạm về nồng độ cồn.

Hoàng Hiệp – Thành Luân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bao-dong-vi-pham-nong-do-con-khi-lai-xe-387392.html