Báo động tình trạng xâm hại trẻ em

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà,Việt Nam hiện vẫn còn khoảng hơn 5 triệu trẻ em là trẻ em nghèo theo phương thức tính nghèo đa chiều.

Vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra phức tạp. Trong hai năm 2017 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc có 4.912 trẻ em bị xâm hại, trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 80%.

Để ngăn chặn tình trạng này phải tính đến việc “lấp những khoảng trống” trong xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là nhất là xâm hại tình dục trẻ em trai. Đó là một trong những nội dung chính được chia sẻ tại Hội thảo Hướng dẫn thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và góp ý dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) phối hợp tổ chức mới đây, ngày 1/11 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà “Vẫn còn những vụ việc bị phát hiện muộn, thiếu một số các chế tài để kết tội; bản thân trẻ em, người lớn thiếu kỹ năng phòng ngừa xâm hại bạo lực. Vẫn còn những khoảng trống trong vấn đề xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em trai”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để giải quyết các thách thức trên, theo bà Nguyễn Thị Hà, cần có các chương trình, kế hoạch hành động tổng thể, mang tính chất toàn quốc, tập trung nguồn lực cho các giải pháp chính sách, thực tiễn đối với các cấp, từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng, triển khai các giải pháp trước mắt và chiến lược lâu dài.

Nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, và gần 30 năm qua, Việt Nam luôn tích cực hành động để chăm sóc, bảo vệ toàn diện trẻ em, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: UNICEF hoan nghênh các cam kết của Việt Nam về tích hợp quá trình phát triển đầu đời của trẻ vào Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em. Các bộ, ngành của Việt Nam cũng có sự hợp tác chuyên môn cao hơn trong thực hiện các kế hoạch hỗ trợ cho các gia đình có trẻ em tiếp cận các dịch vụ tốt hơn về dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để đáp ứng nhu cầu toàn diện của trẻ.

UNICEF đang hợp tác với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, một số ngành liên quan, các cơ quan chính quyền địa phương, triển khai thí điểm dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện tại ba tỉnh: Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum. Dự án này bao gồm chương tình tiếp cận toàn diện, giúp cho cha mẹ hiểu biết hơn về sức khỏe trẻ em, kết nối cha mẹ với sự hỗ trợ của cộng đồng; trẻ được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ cơ bản về chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần để có thể thực hiện các quyền được sống, được phát triển, được học tập và bảo vệ bản thân. Bà Lesley Miller hy vọng những chương trình thí điểm này sẽ mang lại giá trị và cho thấy tính thực tiễn, thực hành tốt nhất trong giai đoạn tới.

Thành Tâm

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/bao-dong-tinh-trang-xam-hai-tre-em-28928.html