Báo động tình trạng trộm cắp tại các khu di tích

Từ năm 2019 đến nay, đặc biệt là khoảng thời gian đầu năm 2020, tình trạng mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích trên địa bàn Hà Nội ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng.

Liên tiếp xảy ra các vụ mất cắp

Tại huyện Ứng Hòa, từ năm 2019 đến nay đã xảy ra các vụ mất sắc phong, cuốn thư, lư hương, hạc, đỉnh đồng ở đền Hạ (xã Tảo Dương Văn), đình Dương Khê (xã Phương Tú), đình Đình Tràng (xã Liên Bạt), đình Hoàng Xá (thị trấn Vân Đình). Tại huyện Phú Xuyên cũng xảy ra tình trạng mất cắp ở di tích thuộc xã Đại Xuyên, xã Văn Hoàng, xã Tân Dân, kẻ gian đã đột nhập và lấy đi các lọ lục bình, đỉnh hương.

Tương tự, tại huyện Chương Mỹ cũng xảy ra việc mất cắp tại đình Hồng Thái, kẻ gian đã lấy đi 1 hòm sắc phong, 7 đạo sắc phong bản gốc, 1 thần phả và tiền mặt. Tại huyện Hoài Đức, cũng xảy ra mất cắp tại đình Vân Côn (xã Vân Côn), 3 ngai thờ đã bị lấy đi.

Đình Đại Định (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội), nơi mất nhiều cổ vật quý giá thời gian qua. Ảnh: HNM

Đình Đại Định (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội), nơi mất nhiều cổ vật quý giá thời gian qua. Ảnh: HNM

Chỉ trong vòng 1 tháng, từ ngày 13/3 – 11/4/2020, tại huyện Thanh Oai xảy ra 4 vụ trộm cắp di vật, hiện vật tại di tích chùa Bối Khê, đình Đại Định (xã Tam Hưng), chùa Dư Dụ (xã Thanh Thùy), chùa Từ Châu (xã Liên Châu) với tổng số 26 di vật, hiện vật. Tại huyện Thường Tín, từ tháng 1/2020 đến nay, xảy ra 6 vụ trộm di vật, hiện vật tại 6 di tích thuộc 5 xã: Hiền Giang, Vân Tảo, Văn Phú, Thư Phú, Khánh Hà…

Từ những số liệu trên cho thấy, số lượng mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích trên địa bàn Hà Nội ngày càng nhiều. Giải thích lý do số vụ gia tăng những tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Doãn Văn – Trưởng ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội cho rằng, do thời điểm sau Tết mọi người thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 nên kẻ gian đã lợi dụng thực hiện hành vi của mình. Nhiều di vật, hiện vật quý đã bị mất đi và việc tìm lại vô cùng khó khăn, nhiều di vật quý không thể tìm lại được.

Theo thống kê, hiện Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó 1 di tích được công nhận là di sản thế giới, 18 di tích quốc gia đặc biệt, 50 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, 1.804 đình, 2.007 chùa, 811 đền, 292 miếu… Tại các di tích này đang lưu giữ rất nhiều bảo vật quốc gia, cổ vật, hiện vật, di vật quý, nhưng điều đó cũng đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý hiện vật, di vật.

Dù thời gian qua, công tác quản lý di tích đã được các địa phương chú trọng, song phần lớn lực lượng tham gia tiểu ban quản lý di tích cơ sở là những cán bộ về hưu, các cụ phụ lão, hoạt động theo chế độ tự nguyện hoặc kiêm nhiệm; hơn nữa, nhiều di tích nằm biệt lập với khu vực dân cư. Vì vậy, hiện tượng lơi lỏng trong việc trông coi, bảo vệ di tích ở cơ sở là không tránh khỏi.

Trong khi đó, không phải nơi nào cũng có điều kiện để lắp đặt camera giám sát, nhất là ở những vùng ngoại thành xa; số lượng bảo vệ trông coi di tích không nhiều. Chính vì vậy, kẻ gian lợi dụng công tác quản lý, bảo vệ ở các di tích chưa được chặt chẽ nên đã đột nhập đánh cắp. Hơn nữa, khi chúng đã chủ mưu thực hiện ý đồ thì việc dò la, nghiên cứu thực địa của kẻ gian sẽ được thực hiện kỹ. Thời gian trộm cắp của các đối tượng chủ yếu vào ban đêm, khi mà không có người ra vào và công tác bảo vệ thường sơ hở.

Nâng cao các biện pháp bảo vệ

Trước thực trạng các di tích liên tục bị lấy cắp hiện vật, cổ vật, các địa phương đã yêu cầu các xã, thị trấn, ban quản lý di tích rà soát, kiểm tra, thống kê hiện trạng đồ thờ, hiện vật, sắc phong trong di tích. Tại huyện Thanh Oai, Ủy ban nhân dân huyện cũng yêu cầu cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lắp đặt camera an ninh tại các di tích.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân, các ban quản lý di tích chủ động kiểm tra hệ thống cửa, khóa, phối hợp với lực lượng công an phòng chống trộm cắp di vật, hiện vật, hòm công đức trong các di tích.Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thậm chí một số địa phương còn lơi lỏng, thiếu chỉ đạo, kiểm tra kịp thời.

Trước những báo động về tình trạng mắt cắp hiện vật, cổ vật tại các di tích, mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về quản lý di vật, hiện vật, xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa.

Trong đó, yêu cầu không để tái diễn và xảy ra hiện tượng mất cắp di vật, hiện vật, đồng thời thực hiện các giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn cho các di tích. Hiện vật, cổ vật trong các di tích sẽ hạn chế tối đa việc mất cắp nếu ý thức của người dân và những người quản lý di tích được nâng lên, cùng với đó là việc đầu tư các nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị đảm bảo an toàn cho các di tích.

Trước đó, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văngửi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị truy tìm số cổ vật, hiện vật bị mất vừa qua.Theo công văn này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được thông tin phản ánh chỉ trong thời gian ngắn, tại một số di tích được xếp hạng và kiểm kê trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã bị kẻ gian trộm cắp hiện vật.

Các vụ trộm cắp xảy ra đồng thời vào thời điểm cả nước đang phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy sự phức tạp của vụ việc. Vì vậy, Cục Di sản Văn hóa đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương cung cấp thông tin về hiện vật cho cơ quan chức năng để phục vụ điều tra. Đồng thời, kiểm kê hiện vật tại các di tích bị mất cắp; đề xuất biện pháp bảo vệ di tích.

Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa cũng yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội báo cáo UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan nhanh chóng tổ chức truy tìm để trả lại hiện vật bị mất cắp cho di tích; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vụ việc. Yêu cầu chính quyền các địa phương và các Ban quản lý di tích thực hiện nghiêm ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 2009.

Tại Công văn số 2009/BVHTTDL-DSVH ngày 28/5/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu, trong những năm qua, nhiều tỉnh thành đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh, tuy nhiên, vẫn còn địa phương chưa chủ động trong việc kiểm kê, xếp hạng di tích; tình trạng mất cắp hiện vật, cháy ở di tích vẫn tiếp tục xảy ra hàng năm...

Để tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở quản lý văn hóa và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về di sản văn hóa; mở cuộc vận động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân địa phương để quán triệt pháp luật về di sản văn hóa đến các tổ chức đoàn thể xã hội, các hội và mọi người dân.

Đặc biệt, về tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị quy định rõ trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn và cơ chế phối hợp quản lý giữa ủy ban nhân dân cấp xã với tổ chức quản lý di tích, hoặc người được giao trông coi di tích. Đồng thời, tăng cường tuần tra, canh gác kết hợp lắp đặt thiết bị bảo vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích.

Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý di tích, quản lý các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cho cán bộ cấp huyện, xã có liên quan và người trực tiếp trông coi di tích. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương, kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích.

H. Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-dong-tinh-trang-trom-cap-tai-cac-khu-di-tich-110398.html