Báo động tình trạng trẻ hóa rối loạn tâm thần

Nếu như trước đây bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần chủ yếu thuộc lứa tuổi trung niên và cao niên thì nay, rối loạn tâm thần ở trẻ nhỏ, vị thành niên như tự kỷ, tăng động, lo âu, trầm cảm, hoang tưởng… có sự gia tăng đáng báo động. Điều đáng nói là nhận thức của xã hội và gia đình người bệnh về các rối loạn tâm thần còn hạn chế.

Một học sinh được điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).

Một học sinh được điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).

Những con số lo ngại…

Kết quả nghiên cứu, khảo sát ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy, học sinh có các vấn đề về sức khỏe tâm thần chiếm tỷ lệ khá cao. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, khoảng 15-17% số trẻ em và vị thành niên thuộc diện khảo sát có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, một nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 1.727 học sinh trung học cơ sở cũng cho thấy 25% học sinh trong số được hỏi cần tham vấn sức khỏe tâm thần.

Tại Khoa Nhi (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội), đối tượng điều trị và can thiệp tâm lý chủ yếu là trẻ có rối loạn hành vi, tăng động giảm chú ý, tự kỷ, trầm cảm, chậm phát triển trí tuệ... Năm 2016, số trẻ đến khám là 896 lượt và được can thiệp là 3.430 lượt, đến năm 2017 số trẻ đến khám tăng lên 921 lượt và can thiệp là 6.730 lượt. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, số trẻ đến khám là 485 lượt và can thiệp là 3.611 lượt, cao hơn hẳn so với cùng thời điểm các năm trước.

Còn tại Khoa Nhi (Bệnh viện Nhi trung ương), trước đây, mỗi ngày chỉ có khoảng 5-6 trường hợp trẻ đến để khám về tự kỷ, thì hiện đã có khoảng 230 ca/ngày. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), hằng năm có khoảng 2.500 lượt khám đánh giá về tự kỷ, có khoảng 1.000-2.000 bệnh nhân được chẩn đoán tự kỷ hoặc theo dõi mắc tự kỷ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội) nhìn nhận, trong các yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần trẻ em, sự cô lập là nguyên nhân quan trọng, tiếp đến là thói quen sử dụng internet quá nhiều, gia đình quá nghiêm khắc, sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ, nỗi lo sợ bị “la mắng”, áp lực học tập, bị bắt nạt, sống xa gia đình, thiếu hụt tình cảm do bố mẹ ly dị…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), khoảng 15-17% trẻ em được người nhà đưa đến khám cần được tư vấn, điều trị do trước đó có biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, dễ cáu giận, buồn bã, hay khóc lóc, thu mình, không tiếp xúc… Thậm chí, có nhiều trẻ trong số bệnh nhân đến khám từng là học sinh giỏi, sống vui vẻ, hòa đồng với mọi người xung quanh nhưng do không vượt qua được áp lực học hành, thi cử, kết quả học tập sa sút nên quay ra phản kháng mọi yêu cầu của cha mẹ…

Đáng chú ý, bác sĩ Nguyễn Lệ Bình (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết từng tiếp xúc với những trẻ mới sinh được vài tháng nhưng đã bị trầm cảm. Có nhiều nguyên nhân, song với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể là do phải xa mẹ hay xa người chăm sóc một cách đột ngột... Trầm cảm ở trẻ nhỏ có các dấu hiệu như khóc khó dỗ, từ chối bú mẹ, không nhìn thẳng vào mặt mẹ, không có niềm vui thích khi tương tác…

Trẻ em có hệ thần kinh chưa phát triển hoàn thiện, do đó, khi hưng phấn hoặc ức chế, trẻ thường không thể tự cân bằng. Trẻ bị sang chấn tâm lý dễ trở nên yếu đuối. Vì vậy, bác sĩ Lê Công Thiện, Bộ môn Tâm thần thuộc Trường Đại học Y Hà Nội cảnh báo, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ bỏ học sớm, vi phạm pháp luật, lạm dụng chất kích thích, chất gây nghiện, thậm chí nghĩ đến chuyện tự tử…

Xu hướng trẻ hóa rối loạn tâm thần rất đáng lo ngại.

Cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

Hiện nhu cầu can thiệp sức khỏe tâm thần cho trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, nhận thức của xã hội và gia đình bệnh nhi về các rối loạn tâm lý còn hạn chế, ảnh hưởng tới việc điều trị. Thêm vào đó, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ cho khám, điều trị tâm thần nhi hiện còn thiếu.

Bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho rằng, bản thân phụ huynh và giáo viên quan niệm chưa đúng về sức khỏe tâm thần và điều trị tâm thần ở trẻ nhỏ cùng sự kỳ thị của xã hội. Nhiều trường học không muốn công bố học sinh mắc bệnh vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của trường. Một số phụ huynh không muốn thừa nhận con mình mắc bệnh, cho rằng con quá nghịch ngợm, hiếu động, không tập trung chú ý mà thôi. Để hạn chế tình trạng trẻ mắc rối loạn tâm thần, vấn đề quan trọng nhất là gia đình và nhà trường phải kết hợp chặt chẽ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Tuyệt đối không nên tạo áp lực cho trẻ, nhất là trẻ đang ở trong độ tuổi vị thành niên vì đây là lứa tuổi rất dễ bị kích động.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, khi thấy trẻ rơi vào tình trạng giảm năng lượng, mệt mỏi... cha, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện tâm thần hoặc bệnh viện có chuyên khoa tâm thần để được tư vấn, điều trị sớm. Nếu rối loạn ở dạng nhẹ và được phát hiện sớm, bệnh ở giai đoạn đầu, trẻ chỉ cần được nghỉ ngơi, giảm (hoặc cắt) các tác nhân gây sức ép thì có thể khỏi bệnh gần như 100%. Nếu nặng hơn, trẻ cần được dùng thuốc điều trị, hỗ trợ tâm lý, thời gian nằm viện có thể lên tới 2 - 3 tháng, thậm chí lâu hơn.

Bên cạnh việc tăng cường, củng cố hệ thống hỗ trợ, điều trị tâm lý cho trẻ, cha, mẹ, thầy, cô giáo cần làm tròn trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, dạy dỗ các em. Có như vậy mới giảm bớt tình trạng bất ổn về sức khỏe tâm thần của trẻ.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/917771/bao-dong-tinh-trang-tre-hoa-roi-loan-tam-than