Báo động tình trạng trẻ em mắc rối loại dung nạp glucose

Tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đái tháo đường đang ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu mới nhất được BV Nội tiết Trung ương tiến hành cho thấy, tỷ lệ trẻ bị rối loạn dung nạp glucose (một dạng của tiền đái tháo đường) cũng đang ở mức đáng báo động.

Thông tin từ BV Nội tiết Trung ương cho biết, trong vài thập kỷ gần đây, số lượng trẻ em béo phì tăng lên, dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ đái tháo đường type 2 ở người trẻ tuổi. Béo phì, đặc biệt là béo bụng kết hợp mạnh với kháng insulin ở trẻ em gây nên rối loạn dung nạp glucose hay tiền đái tháo đường. Những đối tượng tiền đái tháo đường có nguy cơ cao tiến triển thành đái tháo đường nếu không có sự can thiệp kịp thời.

Nghiên cứu mới nhất của BV Nội tiết Trung ương trên 2.810 trẻ em lứa tuổi từ 11-14 tuổi trên toàn quốc cho thấy nguy cơ tiềm ẩn của bệnh đái tháo đường ở nhóm đối tượng này. Có 178 trẻ (6,2%) mắc rối loạn glucose máu, trong đó lứa tuổi trẻ nhất (11 tuổi) có tỷ lệ mắc cao nhất (8,1%); trong khi ở nhóm tuổi lớn hơn có rối loạn glucose máu thấp hơn. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ là 27,8%, trong đó thừa cân là 17,9% và béo phì là 9,9%.

Thừa cân, béo phì là nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường ở trẻ em. Ảnh minh họa

Thừa cân, béo phì là nguyên nhân dẫn đến đái tháo đường ở trẻ em. Ảnh minh họa

Về thói quen vận động, nghiên cứu cho thấy 90,6% trẻ em được phỏng vấn đều chơi một môn thể thao nào đó. Tuy nhiên thời gian trung bình vận động theo tiêu chuẩn của IDF mỗi ngày ở trẻ em ít nhất 60 phút/ngày, trẻ em nữ chưa đạt được. Quá nửa trẻ em đều chơi game, trong đó 34,7% trẻ em chơi game trên 1 giờ/ngày; 100% trẻ em đều dùng mạng xã hội, 88% trẻ vào mạng dưới 60 phút/ngày.

Trẻ thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ dẫn đến mắc bệnh đái tháo đường. Để giúp trẻ giảm béo ở tuổi 11-14, TS-bác sỹ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo các bậc phụ huynh nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống và giúp con tránh xa các thói quen xấu gây tăng cân.

Đặc biệt, phần lớn trẻ em thừa cân, béo phì đều có thói quen thích các đồ ăn nhanh và nước ngọt, bánh kẹo ngọt. Thói quen ăn đồ rán hàng ngày, ăn vặt, ăn bữa phụ trước khi đi ngủ cũng làm cho trẻ tăng cân; trẻ xem tivi trong lúc ăn cũng dễ bị tăng cân do trẻ không để ý rằng mình đã no. Bên cạnh đó, trẻ ở nhóm tuổi này cần được tăng cường vận động để tránh béo phì.

“Qua khảo sát về thói quen vận động thể dục của trẻ đến khám tại Trung tâm điều trị béo phì và hội chứng chuyển hóa của Viện Y học ứng dụng Việt Nam năm 2019 thì 88% trẻ thừa cân béo phì hiện nay thường dành khá nhiều thời gian để xem tivi, sử dụng các thiết bị điện tử di động và ít có thói quen tập luyện thể dục thể thao”, TS. Trương Hồng Sơn dẫn chứng.

Để phòng chống bệnh đái tháo đường, cần có những biện pháp kịp thời và toàn diện từ phía gia đình, nhà trường, xã hội cũng như bản thân trẻ em để xây dựng được lối sống lành mạnh, phòng tránh các bệnh: béo phì, tim mạch, đái tháo đường,... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Trẻ cần được tăng cường vận động, tập luyện các môn thể dục, chạy chơi, đạp xe, đi bộ. Ưu tiên các môn ngoài trời và mang tính kéo dãn như bóng rổ, bóng chuyền, đá bóng, bơi, cầu lông….

Phong Châu

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bao-dong-tinh-trang-tre-em-mac-roi-loai-dung-nap-glucose-211590.html