Báo động tình trạng trẻ em bị tự kỷ, trầm cảm

Khoảng hai thập kỷ gần đây, tỷ lệ trẻ mắc chứng trầm cảm, tự kỷ gia tăng một cách nhanh chóng. Đáng quan ngại nhất là nhiều ông bố, bà mẹ không thể phân biệt được con mình có mắc bệnh hay không để chữa trị kịp thời.

Nhiều yếu tố tác động đến sức khỏe tâm thần

Áp lực cuộc sống đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe tâm thần, tâm lý của người dân, nhất là các em lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Theo Viện Nghiên cứu phát triển hải ngoại, trên thế giới, cứ 4 người thì có một người bị rối loạn tâm thần ở một giai đoạn trong cuộc đời. Khoảng 300 triệu người bị rối loạn lo âu, khoảng 10% phụ nữ mang thai bị trầm cảm, 10-20% trẻ em và thanh thiếu niên từ 14 tuổi trở lên trên thế giới mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội...

 Giáo viên trường Trường Anbe Anhxtanh đang hướng dẫn các em học sinh mắc chứng tự kỷ làm bánh. (Ảnh: NGUYỄN MAI)

Giáo viên trường Trường Anbe Anhxtanh đang hướng dẫn các em học sinh mắc chứng tự kỷ làm bánh. (Ảnh: NGUYỄN MAI)

Ở nước ta, theo số liệu của ngành y tế, tỷ lệ trẻ vị thành niên mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần chung là từ 8% đến 29%. Những bệnh xuất hiện ở trẻ em nước ta thường là hướng nội, như trầm cảm, lo âu...; còn hướng ngoại là tăng động và giảm tập trung... Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này do rất nhiều yếu tố, như: Gia đình, nhà trường và bản thân từng con người. Trong đó, tác động của sự gia tăng về công nghệ điện tử, điện thoại thông minh, máy tính bảng, ti vi… đang đẩy con trẻ rơi vào tình trạng cô lập với mọi thứ xung quanh, khiến sức khỏe về tâm lý xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, sự chú ý, khả năng logic của trẻ sẽ bị ảnh hưởng, tác động rất lớn đến cuộc sống sau này của trẻ. Đó là chưa kể, những đứa trẻ này sẽ phải đối mặt với sự phân biệt của xã hội và sẽ khó hòa đồng được với thế giới xung quanh.

Cần quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con trẻ

Hiện nay ở nước ta, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội được quy hoạch tới hơn 418 cơ sở. Cả nước đã có 45 trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí và 40 trung tâm công tác xã hội. Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra báo cáo nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của hơn 400 học sinh trong hai độ tuổi từ 11 đến 14 và từ 15 đến 17 tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Điện Biên và tỉnh An Giang, thì tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần chung là từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên. Còn kết quả khảo sát dịch tễ học tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về dịch vụ sức khỏe tâm thần. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ảnh hưởng tới không chỉ sức khỏe mà cả trí lực của thanh thiếu niên.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đã đến lúc gia đình và nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến trẻ em và trẻ vị thành niên để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường ở trẻ, có những liệu pháp chữa trị kịp thời. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của chứng bệnh này.

Nhiều ý kiến cho rằng, để chăm sóc sức khỏe tâm lý cho con trẻ, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, có trách nhiệm của các cơ quan chức năng; cùng với đó là tập trung nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y tế, các chuyên gia tâm lý. Đặc biệt, chính quyền các cấp cần chỉ đạo cơ quan y tế đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ sức khỏe tâm lý của trẻ, giúp các gia đình có biện pháp phòng tránh bệnh cho con và kịp thời phát hiện để chữa trị hiệu quả.

HỒNG NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-dong-tinh-trang-tre-em-bi-tu-ky-tram-cam-536277