Báo động tình trạng trẻ em bị chó nuôi cắn

Thời gian gần đây, trên phạm vi cả nước liên tục xảy ra những vụ việc thương tâm về trường hợp trẻ em bị chó tấn công, để lại hậu quả gây trọng thương, tổn hại sức khỏe, thậm chí còn là đánh đổi bằng cả tính mạng. >>> Nhật Bản tài trợ công nghệ hiện đại giúp làm sạch, giảm mùi nước sông Tô Lịch >>> Trang trại năng lượng mặt trời thay thế nhà máy nhiệt điện than

Trong những năm gần đây, cùng với phong trào nuôi chó làm cảnh cho vui phát triển mạnh tại các hộ gia đình ở cả nông thôn và thành thị, thì thực trạng trẻ em nói riêng và người lớn nói chung bị chó cắn ngày một nhiều, gây trọng thương, gây tổn hại sức khỏe, thậm chí bị thiệt mạng(vì vết thương quá nặng, vì bệnh dại…) cũng đã, đang gióng lên hồi chuông báo động về sự nguy hiểm.

Hầu như năm nào tại hầu hết các địa phương ở nước ta mà chẳng xảy ra rất nhiều các vụ trẻ bị chó cắn. Các vụ trẻ bị chết do chó cắn không nhiều, nhưng hậu quả của đại đa số các vụ trẻ bị chó cắn đó là để lại trên thân thể các bé những vết thương không thể lành, mà nó sẽ theo các em suốt cuộc đời với hình hài xấu xí nham nhở của các vết xẹo…!

Mới đây nhất có thể kể tới, đó là ngày 21 tháng 3 năm 2019, khi một cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội, trong lúc đạp xe chơi đùa tại cổng nhà mình đã bị con chó với giống pitbull của hàng xóm, nặng khoảng 25 kg, kéo giật đứt xích xông ra tấn công. Tuy được mé bé và một số người hàng xóm tức khắc giải cứu khi nghe thấy bé la hét, nhưng hậu quả mà bé phải gánh chịu là gãy xương đùi cùng rất nhiều vết thương ở phần mềm trên thân thể.

Một vụ chó cắn vô cùng thương tâm, với hậu quả vô cùng nghiêm trọng cũng xảy ra cách đây chưa lâu, đó là vào đầu tháng 3 năm 2019, một em bé trai 9 tuổi, dân tộc Nùng, ở xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, trong lúc nằm trên giường bị 4 con chó nhà leo lên tấn công khiến em mất toàn bộ da vùng mu, dương vật gần như cụt hẳn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hẳn nhiều người thường đọc báo, theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng còn nhớ tới vụ con chó ngao Tây Tạng nặng 40kg cắn chết một bé gái 8 tháng tuổi tại Hà Nội, vào tháng 7 năm 2018, và vụ việc quá thương tâm ấy đã để lại cho cha mẹ bé, người thân của bé một nỗi đau không bao giờ có thể nguôi ngoai…

Vâng, sẽ khó lòng có thể kể hết được vô số các vụ chó cắn trẻ nói riêng và người lớn nói chung xảy ra trong những năm gần đây, bởi nó quá nhiều. Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, số chó nuôi ở Việt Nam là rất lớn ước lượng khoảng 5,4 triệu con ở 3,5 triệu hộ gia đình. Chính vì chó nuôi nhiều như vậy, phần lớn các gia đình có thói quen nuôi thả rông, vì vậy người bị chó cắn nhiều và gia tăng trong những năm gần đây là điều dễ hiểu. Cũng theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mỗi năm ở nước ta có từ 400 – 500.000 người bị chó cắn và phải đi điều trị dự phòng, 80-100 người tử vong do lây bệnh dại từ chó mèo.

Khi sống chung với chó, đối với người lớn thì còn có thể lực với sức mạnh, sự khôn khéo để chống chọi và tự vệ bản thân. Nhưng với những đứa trẻ, nhất lại là những em còn quá nhỏ, nếu gặp phải những con chó to lớn, hung dữ (kể cả chó nhà mình nuôi, hay hàng xóm nuôi), mà nếu không có người lớn ở cạnh canh chừng thì các em sẽ không thể chống lại được, và một khi bị chó tấn công sẽ để lại những hậu quả vô cùng đau đớn…

Để hạn chế trẻ bị chó cắn, cũng như những hậu họa khó lường do chó cắn gây ra cho trẻ, theo tôi các gia đình có trẻ nhỏ không nên nuôi chó, mèo, bởi không chỉ những con chó có thể cắn, mà ngay những con mèo cũng có thể cào xước thân thể trẻ, rồi lây nhiễm cho trẻ bao thứ bệnh, trong đó có cả bệnh dại.

Nếu có nuôi chó thì cũng không nên nuôi những con chó với giống ngoại lai quá to lớn, dữ dằn, bởi ai mà biết những con chó bị “điên” lên lúc nào khi nó sẵn sàng phản chủ, cắn chủ, đó là chưa nói tới việc chúng cắn hàng xóm…

Ngoài ra, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân nuôi chó thực hiện đầy đủ việc tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo để ngăn ngừa những cái chết đáng tiếc có thể xảy ra… Chế tài phạt các trường hợp đưa chó đi dạo, ra nơi công cộng, hay để chó thả rông ngoài đường… cơ quan, chính quyền địa phương cũng phải làm quyết liệt, khi mà bấy lâu nay chính vì làm không quyết liệt, không kiên quyết nên người dân nuôi chó còn thờ ơ không cảm thấy sợ, khi vẫn để chó chạy rông đầy đường, hay cho chó ra nơi công cộng mà không có rọ mõm, gây nguy hiểm cho những người khác…

Trịnh Viết Hiệp

Nguồn MT&CS: https://moitruong.net.vn/bao-dong-tinh-trang-tre-em-bi-cho-nuoi-can/