Báo động tình trạng ô nhiễm không khí hai thành phố lớn

Thời gian qua, việc ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn luôn trong tình trạng báo động, khiến người dân không khỏi lo lắng.

Người dân Hà Nội đang phải hứng nhiều rất nhiều tác động từ ô nhiễm môi trường. Ảnh: GD&TĐ

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí nặng như hiện nay tại các thành phố lớn, cụ thể là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) là do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng cùng hàng loạt các sinh hoạt, xả rác vô tội vạ của nhiều người dân.

Và trong số các nguồn rác thải gây lên ô nhiễm không khí tại các thành phố chủ yếu là sự đóng góp của khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như xe mô tô, xe gắn máy đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm không khí. Các khí thải chủ yếu là SO2, NO2, bụi (TPS, PM10, PP2,5).

Cụ thể, trong liên tục nhiều ngày qua, AQI đo tại hơn 20 điểm ở Hà Nội luôn ở ngưỡng trên 100. Đây là mức tương đối xấu với môi trường. Các điểm đang báo động ô nhiễm tại Hà Nội có: Tô Hiệu (quận Hà Đông), Trường THPT Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), Công viên Hòa Bình, Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm) đều cho thấy AQI trên 150 (mức “kém”).

Chỉ số bụi mịn PM 2.5 từ 90 đến 140 là mức “nguy hiểm”. Riêng điểm quan trắc Hàng Đậu, AQI duy trì mức trên 150 trong 3 ngày liên tiếp. Có thời điểm, chỉ số AQI đo được ở khu vực Đại sứ quán Mỹ (Láng Hạ) lên tới 204. Đây là ngưỡng “xấu”, rất nguy hại cho sức khỏe, cảnh báo sức khỏe ở tình trạng khẩn cấp.Theo đó, người dân có nhiều khả năng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, thời tiết TP.HCM cũng diễn ra bất thường. Các lớp sương mù dày đặc xuất hiện từ sáng đến chiều, bay lơ lửng trong không khí. Trong khi đó, chỉ số chất lượng không khí AQI tại TP.HCM cũng liên tục ở mức trên 150, thuộc nhóm màu đỏ.

Không chỉ ở hai thành phố lớn. Tại những vùng lân cận cũng cho thấy ngưỡng ô nhiễm không khí rất cao. Nhiều điểm đã đạt ở ngưỡng AQI từ 150 trở lên như: Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) 170; TP. Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) và TP. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) 151; Hải Phòng 161; TP. Phúc Yên (Vĩnh Phúc) 163; TP. Việt Trì (Phú Thọ) 162. Có thời điểm, khi chất lượng không khí ở Hà Nội được cải thiện, nhiều tỉnh lân cận vẫn ô nhiễm nghiêm trọng.

Đây là một tình trạng rất báo động để cộng đồng cần nhìn lại và ý thức về một nếp sống lành mạnh. Ý thức trong việc xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp theo đúng nghĩa thực của nó.

Lương Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-dong-tinh-trang-o-nhiem-khong-khi-hai-thanh-pho-lon-post68422.html