Báo động tình trạng nhập rác phế liệu

Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, trong tháng 6 đã có hơn 67 nghìn tấn phế liệu gồm nhựa, giấy và sắt thép do 34 doanh nghiệp (DN) mở gần 600 tờ khai hải quan nhập khẩu, trong đó, nhiều nhất là cửa khẩu cảng Cát Lái, với 66.561 tấn. Tuy nhiên, nếu so với tháng 5, số phế liệu nhập khẩu được thông quan trong tháng 6 giảm hơn 30 nghìn tấn (tháng 5 có hơn 97 nghìn tấn phế liệu nhập khẩu của 46 doanh nghiệp).

Đáng chú ý, quá trình làm thủ tục thông quan các lô hàng phế liệu trong những tháng qua, Cục Hải quan thành phố đã phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm luật hải quan. Trong đó, có 13 DN, với hơn 50 tờ khai hải quan nhập khẩu phế liệu quá hạn làm thủ tục hải quan; hai DN nhập khẩu phế liệu không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu theo quy định. Tính đến ngày 20-6, tại cảng Cát Lái còn 3.231 công-ten-nơ phế liệu chưa làm thủ tục hải quan. Có nhiều nguyên nhân gây tồn đọng lượng lớn phế liệu tại cảng Cát Lái, song nguyên nhân chủ yếu là do nhà nhập khẩu không tuân thủ các quy định hiện hành. Trên thực tế, nhiều DN nhập khẩu phế liệu về cảng nhưng chưa được cấp “Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất” dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến cảng Cát Lái nhưng chưa thể làm thủ tục nhập khẩu được, gây ùn ứ tại cảng. Một số DN nhập khẩu phế liệu đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế hoặc đã chuyển địa chỉ mà không cập nhật, một số DN đã lâu không làm thủ tục hải quan cho nên cơ quan Hải quan không liên lạc được với DN và khi gửi thư mời bị hoàn trả lại. Có DN không có giấy xác nhận hoặc có giấy xác nhận nhưng quá hạn (không còn hiệu lực làm thủ tục hải quan) nhưng vẫn liên hệ với các hãng tàu dùng danh nghĩa, giấy xác nhận của các DN khác để đóng hàng về Việt Nam cũng khiến hàng tồn đọng nhiều.

Từ thực trạng trên cho thấy, các DN nhập khẩu phế liệu biết rất rõ các quy định của pháp luật trong việc đưa phế liệu về Việt Nam, nhưng vẫn cố tình vi phạm. Đến khi hàng về cảng nhiều tháng mà chưa xin được Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho nên đã bỏ mặc tại cảng, nhiều trường hợp từ chối nhận hàng, để trốn tránh trách nhiệm. Hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đang thông báo tìm chủ của hơn 3.000 công-ten-nơ phế liệu nhập khẩu về cảng Cát Lái nhưng quá thời hạn vẫn chưa liên hệ để làm thủ tục nhận hàng.

Hiện có đến 80% DN ngành nhựa tập trung tại khu vực thành phố, và có tình trạng một số nhà nhập khẩu tận dụng mức giá rẻ của mặt hàng phế liệu để nhập ồ ạt, bất chấp chưa đủ điều kiện để làm thủ tục thông quan. Chính hai yếu tố trên đã khiến các cảng biển rơi vào tình trạng bị tồn đọng trong việc tiếp nhận mặt hàng này, nhất là các cảng thuộc hệ thống của cụm Cảng miền nam.

Để khuyến khích khách hàng lấy công-ten-nơ ra khỏi cảng sớm hơn, cụm Cảng miền nam đã quyết định áp mức phụ thu với hàng nhập khẩu chuyển từ cảng khác về cảng Cát Lái để giao hàng, đồng thời điều chỉnh thời gian lũy tiến phí nâng công-ten-nơ hàng nhập. Đây là một giải pháp tình thế, nhiều hãng tàu, chủ hàng sẽ phải gánh thêm các khoản chi phí phát sinh từ tình trạng ùn tắc cảng, tình trạng không do họ tạo ra. Đáng chú ý, trong câu chuyện hàng phế liệu gây ùn tắc cảng, nhiều bên liên quan trong chuỗi cung ứng như nhà khai thác cảng, cơ quan hải quan… khẳng định rằng, họ đã làm hết sức để khắc phục tình trạng này, nhưng rõ ràng còn một số cơ quan khác có liên quan lại chưa thấy có động tĩnh.

Để xử lý rốt ráo câu chuyện ứ đọng tại các cảng, chuỗi cung ứng cần các cơ quan có liên quan phải tích cực tham gia vào giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, thực trạng cảng Cát Lái bị ùn tắc trong khi các cảng ở cụm Cái Mép - Thị Vải,... vẫn khá “rảnh rang” một lần nữa nhấn mạnh đến tính cấp bách của các giải pháp chính sách để phát triển cụm cảng này.

NGUYÊN QUỐC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37025002-bao-dong-tinh-trang-nhap-rac-phe-lieu.html