Báo động tình trạng người vi phạm chống đối, hành hung lực lượng CSGT

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ vi phạm giao thông, mà người vi phạm thay vì chấp hành lại quay lưng chống trả, bỏ chạy thậm chí đâm thẳng phương tiện vào lực lượng CSGT khi họ đang làm nhiệm vụ.

Ngày 3-12-2020, CA huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh cho biết VKSND cùng cấp đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Hoàng An, SN 1994 và Trần Văn Út, SN 1989, cùng quê Bạc Liêu, tạm trú huyện Bình Chánh, để xử lý về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

An và Út là chú cháu ruột, là 2 trong số 5 người tấn công tổ CSGT, thuộc Đội CSGT Tân Túc, Phòng CSGT CATP Hồ Chí Minh đang làm nhiệm vụ tại đoạn đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh.

Theo đó, chiều 1-12-2020, Tổ công tác Đội CSGT Tân Túc gồm Đại úy Hồ Trọng Nghĩa và Thượng úy Huỳnh Phúc Đạt làm nhiệm vụ trên đoạn đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, phát hiện Trần Hoàng An, SN 1994, quê Bạc Liêu, điều khiển xe máy không đội MBH, chạy ngược chiều nên ra hiệu lệnh dừng xe.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

An đã to tiếng rồi dùng tay đánh vào mặt Đại úy Nghĩa. Trần Văn Út, chú ruột An hô hoán, lao vào ôm Thượng úy Đạt để An dùng MBH đánh 2 cán bộ CSGT. Biết tin, mẹ và em gái An cùng Trần Văn Quy, chạy ra xông vào giằng co với 2 CSGT rồi nổ máy xe định tẩu thoát. Thấy vậy, Thượng úy Đạt đã đứng chặn đầu xe thì bị Quy tăng ga tông ngã…

Trước đó, ngày 28-11-2020, CQCSĐT CA huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt để tạm giam Kiên Đại Vĩ và Thạch Hồng Hải, trú tại tỉnh Trà Vinh, về hành vi chống người thi hành công vụ.

Kiên Đại Vĩ và Thạch Hồng Hải là hai thiếu niên đã tông trung tá Phạm Tân Nhân thuộc Trạm CSGT Đa Phước - Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, CA TP HCM trọng thương hôm 16-11. Hiện trung tá Phạm Tân Nhân đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy vì bị gãy cẳng tay phải, gãy cẳng chân phải và nứt xương bánh chè.

Tình trạng chống người thi hành công vụ nói chung, mà đặc biệt là CSGT ngày càng manh động hơn. Trước đây, người vi phạm thường xin xỏ để được bỏ qua vi phạm, rồi ngăn cản việc thi hành công vụ sau đó mới đến chống đối, nhưng hiện nay người vi phạm tấn công thẳng lực lượng CSGT.

Thiếu tá Nguyễn Minh Đức, Phó đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT CA TP Hà Nội phân tích, người vi phạm giao thông luôn coi việc bị xử phạt là sự mất mát, bức xúc mà không nghĩ rằng lực lượng chức năng đang xử lý vi phạm là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ và những người xung quanh.

“Nếu CSGT không giữ xe của người say rượu, sử dụng ma túy, không xử phạt vi phạm quá tốc độ... thì nguy cơ TNGT sẽ cao thế nào? Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, kết hợp với tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm để nâng cao kiến thức, ý thức pháp luật cho người dân. Đồng thời, trong quá trình làm nhiệm vụ, tiếp xúc với người vi phạm, lực lượng CSGT cũng cần có sự thân thiện nhưng phải kiên quyết và dứt khoát, để người vi phạm biết việc CSGT dừng xe, kiểm tra vi phạm là phải chấp hành, nếu không sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Sự thân thiện, văn minh tạo ấn tượng ban đầu về cách làm việc của người thực thi công vụ, góp phần giảm đi những bức xúc của người vi phạm”, Thiếu tá Đức đề xuất.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Hồng Thái, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền cũng cần sự chuyên nghiệp hơn nữa từ lực lượng thi hành công vụ. “Cán bộ, chiến sỹ CSGT phải có nghiệp vụ giỏi, tư thế, tác phong đúng mực, kỹ năng xử lý tình huống đúng pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tiếp xúc với nhân dân. Việc dừng phương tiện, kiểm tra, xử lý phải đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Nếu CSGT có kĩ năng chưa tốt, giải thích không rõ ràng, thái độ chưa đúng mực dễ dẫn đến chống đối”, luật sư Thái lấy ví dụ.

Theo luật sư Thái, thực tế hiện nay, mức phạt đối với hành vi lăng mạ, xúc phạm người thực thi công vụ còn thấp, cần phải tăng nặng để răn đe. Chẳng hạn, ở nhiều nước, khi CSGT dừng xe, nếu người vi phạm không chấp hành, CSGT có thể dùng súng bắn đạn cao su.

“Có ý kiến cho rằng CSGT làm sai hay gây bức xúc thì người vi phạm mới tấn công CSGT. Tuy nhiên, nếu CSGT sai, người vi phạm có quyền khiếu nại quyết định hành chính của CSGT, thậm chí khởi kiện ra tòa, nhưng không có quyền chống lại lực lượng làm nhiệm vụ. Việc vi phạm giao thông chỉ là vi phạm hành chính, người vi phạm đừng vì một phút thiếu suy nghĩ, bức xúc mà có hành vi dẫn đến việc xử lý hình sự”, luật sư Thái khuyến cáo.

Theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, năm qua, toàn quốc xảy ra 24 vụ chống người thi hành công vụ, làm 11 cán bộ, chiến sỹ CSGT bị thương. Đáng lo ngại, một số người vi phạm giao thông ngay khi CSGT ra tín hiệu dừng xe đã lao vào tấn công người thực thi công vụ...

Quốc Doanh - Đức Điệp

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bao-dong-tinh-trang-nguoi-vi-pham-chong-doi-hanh-hung-luc-luong-csgt-224502.html