Báo động tình trạng ngộ độc thiếc

Việt Nam mới đây đã ghi nhận 13 trường hợp ngộ độc thiếc, trong đó có một bệnh nhân tử vong. Nhiễm độc thiếc hữu cơ gây nhiều tổn thương nặng ở các cơ quan, bao gồm não, gan, thận, miễn dịch và máu…

Người nhiễm độc thiếc bị tổn thương sọ não. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Người nhiễm độc thiếc bị tổn thương sọ não. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhiễm độc chỉ sau 4 ngày

Ngày 20/9, Sở Y tế Hải Dương cho biết đã có 1.500 công nhân của một nhà máy sản xuất mành rèm từ nhựa tái chế ở Thanh Miện (Hải Dương) được kiểm tra sức khỏe. Kết quả cho thấy, có thêm 6 trường hợp ngộ độc thiếc đang xuất hiện những biểu hiện suy nhược dạng nhẹ.

Trước đó vào tháng 7, có 7 công nhân cùng nhà máy này đến điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai với nhiều biểu hiện khác nhau, như rối loạn tâm thần, kích động, lẫn lộn, sau đó hôn mê. Kết quả phim cộng hưởng từ cho thấy, não có hiện tượng tổn thương, chất trắng lan tỏa, nhiễm toan chuyển hóa và hạ kali máu nặng.

Trước khi vào làm việc tại nhà máy, tất cả bệnh nhân đều có sức khỏe bình thường. Sau một thời gian ngắn làm việc tại đây, các công nhân đều có biểu hiện của ngộ độc thiếc. Thậm chí, có bệnh nhân được phát hiện ngộ độc khi chỉ vừa làm việc tại nhà máy này 4 ngày.

Một trong số các bệnh nhân nhiễm độc thiếc được phát hiện đầu tiên là anh Nguyễn Đức H. (35 tuổi). Bệnh nhân nhập viện ngày 9/7 với biểu hiện rối loạn tâm thần, kích động, lẫn lộn, sau đó hôn mê. Phim cộng hưởng từ não có hiện tượng tổn thương chất trắng lan tỏa, nhiễm toan chuyển hóa và hạ kali máu nặng.

Do gia đình gặp nhiều biến cố, nên khi xuất hiện các triệu chứng trên, người thân nghĩ rằng, anh H. có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Bệnh nhân nhập viện muộn khi các yếu tố bệnh chưa rõ ràng, diễn biến nặng và gia đình xin cho anh H. về nhà, khi về nhà thì tử vong.

Tuy nhiên, trước khi xin về, gia đình biết có một số công nhân khác cùng làm với bệnh nhân có biểu hiện bất thường và thông báo tới bác sĩ. Các bác sĩ đã hướng dẫn gia đình thông báo cho những người cùng làm đi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.

Sau đó, bệnh nhân Nguyễn Kim C. (42 tuổi, Quỳnh Phụ, Thái Bình) nhập viện trong tình trạng rối loạn tâm thần, mất trí nhớ. Kết quả xét nghiệm máu có rối loạn nặng. Mặc dù tìm mọi cách để xét nghiệm, cấp cứu, nhưng các bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong quá trình chẩn đoán.

Y văn thế giới cũng từng ghi nhận một vài trường hợp ngộ độc khi làm việc trong hoàn cảnh gần tương tự. Với sự hỗ trợ từ Viện Hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm định lượng kim loại thiếc. Bệnh nhân C. có nồng độ thiếc trong máu hơn 200 microgam/lít, tăng gấp hơn 40 lần ngưỡng cho phép.

Bệnh nhân được lọc máu, giải độc thiếc. Sau 1 tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện, trí nhớ dần hồi phục... Đối với bệnh nhân H, sau khi tử vong, kết quả xét nghiệm lại mẫu máu còn lưu cho thấy, nồng độ thiếc trong máu cao gấp trên 50 lần.

Trong số các bệnh nhân nhiễm độc thiếc, có người dù không có triệu chứng lâm sàng, nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy, hạ kali máu nặng, nhiễm toan chuyển hóa hoặc tổn thương não trên phim cộng hưởng từ, nồng độ thiếc trong máu tăng rõ.

Các bệnh nhân chia sẻ, một số công nhân khác làm cùng bộ phận trong thời gian ngắn, nhưng có dấu hiệu mệt mỏi, khó chịu và phải bỏ việc. Các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc nhận định, khả năng cao là những người khác bị nhiễm độc nhưng chưa được phát hiện, hoặc có thể nhầm lẫn với bệnh khác.

Căn bệnh chưa có phác đồ điều trị

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, phần lớn trường hợp ngộ độc thiếc được điều trị đều có nồng độ thiếc trong máu cao gấp hàng chục lần ngưỡng cho phép. Đây là những trường hợp nhiễm độc thiếc cấp tính đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam.

Cũng theo chuyên gia này, các bệnh nhân trên bị nhiễm độc cấp tính thiếc, với những đặc điểm điển hình do hợp chất thiếc hữu cơ gây ra. Thiếc gồm có thiếc dạng nguyên thể kim loại, các hợp chất thiếc vô cơ và các hợp chất thiếc hữu cơ.

Thiếc kim loại và thiếc vô cơ về cơ bản không độc. Các hợp chất thiếc hữu cơ có độc tính rất cao, dễ hấp thu qua đường hô hấp, da và đường tiêu hóa. Độc nhất là các hợp chất thiếc triethyl và thiếc trimethyl. Đây là các hợp chất có công dụng giúp nhựa bền vững với nhiệt.

Nhiễm độc thiếc hữu cơ gây nhiều tổn thương nặng ở các cơ quan, bao gồm não (gây các rối loạn tâm thần kinh và tổn thương chất trắng), gan, thận, miễn dịch, máu… Trên thế giới và trong nước vẫn chưa có phác đồ điều trị nhiễm độc thiếc. Do đó, việc điều trị bệnh nhân ngộ độc thiếc là vô cùng khó khăn. Các bác sĩ phải vừa điều trị, vừa theo dõi sát để đánh giá điều chỉnh.

Nhiễm độc thiếc được cho là vấn đề sức khỏe nghề nghiệp môi trường mới ở nước ta. Trên thế giới cũng chỉ ghi nhận một số ca. Các chuyên gia cho biết, đây là bệnh đặc biệt, dễ bị bỏ quên và cũng dễ nhầm với các bệnh khác.

Trước vụ việc này, Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn báo cáo Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương, các cơ quan liên quan để phối hợp tìm ra nguyên nhân, giải quyết, tránh tiếp tục gây ra tình trạng nhiễm độc.

Trung tâm Chống độc cũng kêu gọi những công nhân làm việc trong các môi trường, vị trí như trên đi kiểm tra sức khỏe, sàng lọc tại bệnh viện tỉnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương cho biết, đã có 15 bệnh nhân tới Bệnh viện tỉnh Hải Dương khám. Trong đó, có 8 bệnh nhân ù tai, nghe kém, 6 bệnh nhân hạ kali máu.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/bao-dong-tinh-trang-ngo-doc-thiec-MCq7RwKMR.html