Báo động tình trạng kháng kháng sinh - Kỳ 2: Cần có chế tài đủ mạnh và sự đổi thay từ nhận thức

Cùng với nhận thức, thói quen của người dân trong sử dụng thuốc còn bừa bãi thì việc cán bộ y tế lạm dụng kháng sinh (KS); việc dùng kháng sinh tùy tiện trong chăn nuôi cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng KS. Muốn ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi những giải pháp mạnh, mang tính lâu dài và đồng bộ của các ban, ngành.

Nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen

Theo GS-TS Nguyễn Văn Kính, GĐ BV Bệnh nhiệt đới Trung ương: Để phòng chống kháng KS tốt có 2 vấn đề cơ bản, một là người dân phải nhận thức được việc dùng thuốc của mình: Không tự ý dùng thuốc, không tự ý đi mua thuốc, không tự ý nghe hàng xóm mách bảo hoặc mượn đơn người khác mua thuốc theo vì có những bệnh cảnh ở mỗi người khác nhau, căn nguyên bệnh cũng khác nhau chứ không phải tất cả đều giống nhau về mặt triệu chứng. Quan trọng nhất là phải được bác sỹ thăm khám, kê đơn để sử dụng KS hợp lý.

Vấn đề thứ 2, để phòng chống kháng thuốc thì tốt nhất phải giảm sử dụng KS. Nguyên tắc muốn giảm thì phải cho thuốc hợp lý và đúng cách. Muốn giảm sử dụng KS trước hết phải phòng bệnh bằng các biện pháp như tiêm phòng vắc-xin để ngăn ngừa bệnh do vi khuẩn gây nên. Bên cạnh đó, có lối sống lành mạnh; kiểm soát nghiêm ngặt sử dụng KS trong chăn nuôi để không có dư lượng kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi khi chúng ta sử dụng.

Muốn giảm sử dụng KS phải phát hiện sớm căn bệnh. Hiện nay thế giới đang khuyến cáo dùng test nhanh CRP để xét nghiệm những trường hợp có sốt. Bình thường CRP dưới 10mg/l thì không cần dùng KS, nhiễm khuẩn có thể không phải do vi khuẩn mà do cảm cúm, cảm lạnh. Thậm chí nếu do virus thì những loại này cũng tự khỏi chứ không cần KS. Như thế chúng ta sẽ làm giảm việc sử dụng KS.

Để dự phòng kháng thuốc-đặc biệt phòng nhiễm khuẩn trong BV, ngoài việc nâng cao nhận thức giảm dùng KS trong cộng đồng thì ngay ngay trong BV chúng ta cần áp dụng các biện pháp để giảm kê đơn, kê cho đúng. Mỗi BV cần có khoa vi sinh lâm sàng để chúng ta có thể phát hiện sớm những căn nguyên và vi khuẩn, từ đó chỉ định cho đúng đắn khi dùng thuốc. Đồng thời, tập huấn các kỹ năng chẩn đoán, điều trị các bệnh do vi khuẩn gây nên cho bác sỹ.

ThS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế cho rằng, bên cạnh nhận thức của người dân thì kể cả cán bộ y tế cũng chưa thực sự nhận thức đúng về KS và kháng KS. Khi khám chữa bệnh bác sỹ đã đưa ra ngay phác đồ KS mạnh, phổ rộng để tấn công.

“Đứng ở góc độ sử dụng KS tôi cho rằng chưa phù hợp. Chúng ta phải xem xét mức độ có cần sử dụng KS hay không, có phải nhiễm khuẩn hay không? Nếu nhiễm khuẩn rồi phải xem đó là loại vi sinh vật nào để có đối sách sử dụng KS cho phù hợp”, ThS Cao Hưng Thái nói.

Khi sử dụng mức độ kháng chưa nhiều thì sử dụng KS thông thường cũng khỏi chưa cần KS thế hệ 3,4 nhưng bác sỹ đã kê ngay KS mạnh. Tác dụng điều trị bệnh đó ở người đó trong thời điểm đó tốt, nhưng nguy cơ khi bệnh nặng hơn hoặc có bệnh khác thì vi khuẩn đa kháng rồi, chúng ra không có cơ hội sử dụng KS đó mà phải sử dụng KS mới đắt tiền hơn, ông Cao Hưng Thái phân tích.

BV Bệnh nhiệt đới Trung ương ký cam kết sử dụng KS hợp lý và có trách nhiệm. Ảnh: V.H

Kiểm soát chặt việc dùng kháng sinh ngay trong BV

Để kiểm soát vấn đề kê đơn, Bộ Y tế đã triển khai Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020” có sự kết nối giữa các cơ sở khám chữa bệnh với cơ sở bán thuốc; theo dõi tiêu thụ KS; thực hiện Chương trình quản lý KS trong BV; có danh sách KS hội chẩn, quản lý chặt chẽ hơn trước khi sử dụng.

Đồng thời Bộ Y tế cũng triển khai ứng dụng CNTT kết nối hệ thống nhà thuốc trên toàn quốc. Các thuốc KS mà các nhà thuốc bán ra sẽ kiểm soát được cả về chất lượng, số lượng, chủng loại; kiểm soát được tình trạng bán thuốc không kê đơn cho người bệnh và có giải pháp tăng cường xử phạt.

Theo TS Nguyễn Văn Kính, giải pháp đồng bộ nhất giúp sử dụng KS đúng cách là thực hiện chương trình phòng chống kháng thuốc, trong đó có cả chuyên môn trong cơ sở khám chữa bệnh; xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng KS là cơ sở, công cụ cho thầy thuốc; giám sát kháng thuốc của vi khuẩn ở các BV từ đó chỉ định KS thích hợp với từng người. Tập trung cở sở vật chất, trang thiết bị để xây dựng labo đạt chuẩn để chẩn đoán nhanh, định danh vi khuẩn…

“Qua điều tra tổng thể sử dụng KS trong cộng đồng cho thấy việc mua thuốc KS thoải mái vẫn diễn ra. Tuy nhiên trong vòng vài năm gần đây, chương trình phòng chống kháng thuốc của Bộ Y tế giám sát kê đơn của các cơ sở y tế kể cả công lập và tư nhân thì đang hạn chế dần bối cảnh đó”, TS Kính nhận định.

Điều khó khăn hiện nay trong thực hiện thanh tra bán thuốc theo đơn là lực lượng thanh tra quá mỏng so với số lượng nhà thuốc trên cả nước. Vì vậy cần có sự vào cuộc của nhiều ban, ngành vào cuộc như công thương, NN&PTNN… trong đó có sự tham gia của người dân. “Người dân phản ánh qua đường dây nóng Bộ Y tế để báo trường hợp nhà thuốc đó bán thuốc không kê đơn. Nếu không có sự tham gia của người dân, người dân đồng lõa cứ tự ra nhà thuốc mua KS thì không hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Kính bày tỏ.

Ông Cao Hưng Thái cũng cho rằng, chế tài xử phạt nhà thuốc hoặc cán bộ y tế bán thuốc KS không đơn có mức độ xử phạt không đủ sức răn đe, phạt tiền mức rất thấp. Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng thay thế đưa chế tài xử phạt phù hợp. Nếu bán thuốc KS không có đơn ngoài xử phạt tiền thì dừng chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động như thế mới có tác dụng xử lý được vấn đề bán thuốc không có đơn.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bao-dong-tinh-trang-khang-khang-sinh-ky-2-can-co-che-tai-du-manh-va-su-doi-thay-tu-nhan-thuc-128798.html