Báo động tai nạn giao thông vì người đi bộ sai luật

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh, tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người bộ hành xảy ra trên địa bàn thành phố thời gian gần đây khá cao.

Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra mà nguyên nhân phần lớn là do người đi bộ không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, qua đường không đúng nơi quy định… Thực trạng này do vẫn còn một số tồn tại, hạn chế từ nhiều phía, cần phải có biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh.

Thích là băng qua đường

Sáng 26-4-2019, phóng viên đã có ghi nhận thực tế tại một số khu vực có mật độ giao thông đông đúc được xây dựng cầu vượt bộ hành cho người đi bộ ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, băng ngang đường, gây ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Nhiều nơi cầu bộ hành không được người đi bộ sử dụng.

Nhiều nơi cầu bộ hành không được người đi bộ sử dụng.

Một trong những khu vực đó là giao lộ Cống Quỳnh và Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), nơi có Bệnh viện Từ Dũ, mật độ phương tiện lưu thông và người đi lại luôn rất cao, cơ quan chức năng đã cho xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ.

Tuy nhiên, có rất nhiều người không sử dụng cầu vượt này để sang đường, mà lại đi băng ngang dưới lòng đường, khiến cho việc lưu thông của các phương tiện giao thông ở khu vực này vốn đã đông lại càng thêm ùn ứ.

Anh Hoàng Phan, người làm việc tại khu vực này cho biết, hằng ngày anh nhìn thấy nhiều người ít khi sử dụng cầu vượt để qua đường, mà chủ yếu là băng ngang qua. “Chuyện này bình thường thì khiến các phương tiện như ôtô, xe máy phải đi chậm lại, ùn tắc. Còn nghiêm trọng hơn thì xảy ra va quệt hay TNGT khiến người đi bộ bị thương hoặc có thể tử vong”, anh Hoàng Phan chia sẻ.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ngay gần cổng Bệnh viện Ung bướu ở đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh). Tại đây, thành phố cũng đã cho xây dựng một cây cầu vượt cho người đi bộ, nhưng vẫn có không ít người dân sử dụng cách băng ngang qua đường mà không sử dụng cầu vượt này.

Có đi qua khu vực này mới cảm nhận được sự khó chịu của những người cầm lái các phương tiện giao thông khi đi lại qua đoạn đường này, khi người đi bộ thản nhiên băng ngang qua đường trước mũi các phương tiện xe cộ, mặc cho có cây cầu vượt ngay sát bên.

Hầu như vào các giờ cao điểm, tình trạng ùn ứ thường xảy ra ở khu vực này, lý do ngoài việc có đông người đi lại và các phương tiện lưu thông thì chính là vì có không ít người đi bộ băng ngang đoạn đường vào phía cổng chính của Bệnh viện Ung bướu…

Ngoài hai khu vực này, tại TP Hồ Chí Minh còn khá nhiều địa điểm có tình trạng tương tự và theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt - Công an TP Hồ Chí Minh, đã có nhiều vụ TNGT xảy ra do người đi bộ tùy tiện băng qua đường, làm người điều khiển phương tiện không kịp xử lý…

Vào cuối năm 2018, một xe container BKS 51C-915.90 của nhà xe Tuấn Hiệp lưu thông trên đường Trần Văn Giàu, huyện Bình Chánh đã lao lên vỉa hè, tông hàng loạt nhà dân. Rất may người dân kịp hô hoán cùng tháo chạy nên không có thương vong.

Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế N.V.T cho biết, vào rạng sáng hôm đó, khi anh đang điều khiển xe lưu thông trên đường thì bỗng nhiên xuất hiện một người đi bộ băng ngang qua đường. Do xe container thuộc hạng siêu trường, siêu trọng nên anh đã không thể phanh gấp được, mà đành phải đánh lái sang bên đường và hậu quả là tông sập sáu nhà dân…

Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh, trong thời gian, từ 16-11-2018 đến 15-4-2019 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 17 vụ TNGT liên quan đến người đi bộ, làm chết 16 người, bị thương 2 người.

Nguyên nhân phần lớn là do người đi bộ không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, qua đường không đúng nơi quy định làm người điều khiển phương tiện khác không xử lý kịp, dẫn đến va chạm trực tiếp với người đi bộ, hoặc do tránh người đi bộ mà gây TNGT với các phương tiện khác.

Bên cạnh đó, cũng xảy ra một số trường hợp người đi bộ chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ, nhưng người điều khiển phương tiện khi đi trên đường không chú ý quan sát hoặc không nhường đường cho người đi bộ nên đã xảy ra TNGT.

Để chấn chỉnh, hạn chế vi phạm, cũng như phòng ngừa các vụ TNGT xảy ra có liên quan đến người đi bộ trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã cho lắp đặt cầu vượt dành cho người đi bộ tại các điểm nút giao thông trọng điểm, trước cổng một số bệnh viện, trường học hoặc bố trí thêm các vạch đi bộ qua đường. Tuy nhiên, vì tiện lợi trước mắt nên nhiều người vẫn bất chấp, sang đường không đúng quy định dù biết rất nguy hiểm.

Ở quy mô cả nước, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết, bên cạnh nhiều nguyên nhân xảy ra TNGT với 1.497 vụ thì có 2,47% là do người đi bộ…

Trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có hơn 1,2 triệu người chết do TNGT đường bộ, trong đó khoảng 22% số người tử vong là người đi bộ.

Riêng tại Việt Nam, số người đi bộ tử vong vì TNGT chiếm khoảng 14% trong tổng số các vụ TNGT. Trong đó, nguyên nhân thường thấy dẫn đến TNGT do người đi bộ gây ra phần lớn là đi không đúng phần đường, qua đường không đúng quy định, thiếu quan sát.

“Hãy đi bộ an toàn”

Theo quy định mới nhất, từ ngày 1-1-2018, người đi bộ nếu vi phạm quy định về an toàn giao thông thì bị xử lý nghiêm như người điều khiển phương tiện. Theo đó, Điều 260 Bộ luật Hình sự không còn bó hẹp trong phạm vi người điều khiển phương tiện, mà đã mở rộng ra cả người tham gia giao thông, tức là người đi bộ. Nếu gây nên hậu quả nghiêm trọng như làm chết người và thiệt hại về tài sản trên 1 tỷ đồng thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm…

Có thể nói, việc tăng chế tài xử phạt đối với người đi bộ vi phạm Luật Giao thông, đặc biệt là hành vi băng qua đường một cách tùy tiện là điều rất cần thiết và kịp thời để ngăn chặn vi phạm. Tuy nhiên, để lực lượng chức năng có thể xử phạt hết tất cả những trường hợp người đi bộ vi phạm lỗi này là rất khó.

Theo các chuyên gia pháp lý, nếu người đi bộ vi phạm ở những tuyến đường cấm đi bộ thì hành vi đã quá rõ ràng, trách nhiệm của người đi bộ trong vụ tai nạn là rất rõ.

Nhưng nếu người đi bộ liên quan đến một vụ TNGT ở đường hỗn hợp thì để xác định rõ lỗi của người vi phạm khá phức tạp. Cần phải làm rõ người đi bộ có phải là nguyên nhân chính gây ra hậu quả nghiêm trọng, từ đó mới có căn cứ để buộc tội…

Tình trạng người đi bộ vi phạm Luật Giao thông khá phổ biến ở TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh, việc người đi bộ vi phạm quy định pháp luật về giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến như thời gian qua có nguyên nhân từ việc họ chưa bao giờ bị xử lý.

Khác với những người tham gia giao thông bằng phương tiện như ôtô, xe máy thì việc đi không đúng làn đường, phần đường, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... đều bị xử phạt, thậm chí số tiền phạt lên tới vài triệu đồng và nhiều trường hợp bị áp dụng biện pháp bổ sung như tạm giữ giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện vi phạm; trong khi đó người đi bộ hầu như không bị xử phạt gì…

Trường hợp muốn phạt vì thấy họ vi phạm cũng không biết “nắm giữ” gì, vì ngoài việc không có phương tiện, người vi phạm đưa ra lý do không mang tiền, không mang giấy tờ tùy thân cũng coi như “huề”.

Một thực tế nữa là, ngoài những nơi có cầu vượt và đường hầm dành cho người đi bộ khi sang đường thì nhiều tuyến phố hiện nay vỉa hè đang bị chiếm dụng, thậm chí không có vỉa hè nên người đi bộ bị “đẩy xuống đường” tham gia giao thông cùng các phương tiện rất nguy hiểm.

Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh, không khó để ghi nhận những tồn tại này. Chẳng hạn như cầu Kênh Tẻ, quận 7 trước kia có phần lề đường hai bên dành cho người đi bộ thì hiện nay cây cầu này đang được sửa chữa mở rộng bằng cách… phá bỏ phần lề đường hai bên cầu.

Hoặc nhiều cầu bắc ngang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng không có lề cho người đi bộ. Cầu Nguyễn Tri Phương nối quận 5 với quận 8 cũng không có chỗ cho người đi bộ qua cầu…

Đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã tăng cường bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát tại các khu vực, tuyến đường trọng điểm có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông, tình trạng người đi bộ vi phạm nhiều để tiến hành kiểm tra, lập biên bản xử lý nghiêm đối với các trường hợp người đi bộ vi phạm.

Đối với những vụ TNGT có liên quan đến người đi bộ, sau khi cơ quan điều tra có kết luận nguyên nhân gây ra tai nạn thuộc về lỗi của người đi bộ thì sẽ khởi tố để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để răn đe, đồng thời tuyên truyền, giáo dục chung.

Tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ trên các phương tiện truyền thông, tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp, cộng đồng dân cư để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông, kỹ năng tham gia giao thông để bảo vệ mình nhằm ngăn chặn tình trạng người đi bộ vi phạm, giảm thiểu được các vụ TNGT đáng tiếc do đối tượng này gây ra hay đối tượng này là nạn nhân.

Nhưng chế tài xử lý, điều quan trọng hơn hết để chủ động phòng tránh TNGT đòi hỏi người đi bộ và các đối tượng tham gia giao thông khác phải tuân thủ theo đúng quy tắc tham gia giao thông. Luôn ghi nhớ và thực hiện khẩu hiệu “Hãy đi bộ an toàn”.

Phú Lữ

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/bao-dong-tai-nan-giao-thong-vi-nguoi-di-bo-sai-luat-543733/