Báo động số ca bệnh whitmore do vi khuẩn 'ăn thịt người' tăng cao trong mùa lũ

Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từ đầu tháng 10/2020 đến giữa tháng 11/2020, đơn vị ghi nhận có 28 trường hợp mắc bệnh Whitmore, tăng đột biến so với trung bình hằng năm.

Ngày 17/11, bệnh viện Trung ương Huế vừa phát đi cảnh báo về sự gia tăng đột biến của bệnh Whitmore, do một loại vi khuẩn nguy hiểm xuất hiện sau thời gian bão lũ ở miền Trung.

Cụ thể, bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từ đầu tháng 10/2020 đến giữa tháng 11/2020, đơn vị ghi nhận có 28 trường hợp mắc bệnh Whitmore, tăng đột biến so với trung bình hằng năm. Trong đó có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... 50% đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế).

Điều đáng lo ngại là khá nhiều bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng... dẫn đến việc điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan.

Bệnh nhân Whitmore điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Bệnh nhân Whitmore điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Theo thống kê tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ 2014-2019, có 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với Burkholderia Pseudomallei). Từ tháng 1- 9/2020, có 11 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore.

Sự tăng đột biến số lượng ca bệnh này trong tháng 9/2020 đến nay tại Việt Nam là hoàn toàn giống với các nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới. Bởi số lượng ca bệnh whitmore có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hàng năm và đặc biệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn burkholderia pseudomallei.

TTXVN thông tin, bệnh whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) do trực khuẩn gram âm burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này được tìm thấy trong đất, nước bẩn hay tại các cánh đồng lúa gạo và các vùng nước tù đọng; có thể lây lan sang người và động vật bằng việc tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.

Người mắc bệnh whitmore chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua các vị trí da, vết thương bị xây xước hoặc hít phải bụi, hơi nước, uống nước có nhiễm khuẩn. Tại chỗ xâm nhập chúng gây thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ ápxe lớn. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến trầm trọng, có thể sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, tạng dẫn đến nguy cơ tử vong.

Để chủ động phòng bệnh whitmore, người dân cần hạn chế tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm; sử dụng giày, dép, gang tay khi tiếp xúc với đất, nước bẩn, nước lụt. Đặc biệt, khi có vết thương hở, vết loét… cần cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ bị ô nhiễm nặng.

Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn do nước lũ gây ra. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn burkholderia pseudomallei và điều trị kịp thời.

Bích Liên (T/h)

Nguồn Pháp Luật Net: https://phapluatnet.nguoiduatin.vn/doi-song/bao-dong-so-ca-benh-whitmore-do-vi-khuan-an-thit-nguoi-tang-cao-trong-mua-lu-54310.html