Báo động sạt lở trong mùa khô hạn

Tình trạng sạt lở đất tại Cà Mau đã gây ra nhiều thiệt hại. Đáng nói, tình trạng này không chỉ diễn ra trong mùa mưa bão, làm mất hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ mỗi năm, mà mỗi khi mùa khô đến, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch cũng rất đáng lo ngại. Mới vào mùa khô chưa lâu, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất làm thiệt hại các công trình giao thông, tài sản của người dân.

Tuyến đường trăm tỉ Tắc Thủ - Đá Bạc cũng vừa bị sụt lún nghiêm trọng.

Tuyến đường trăm tỉ Tắc Thủ - Đá Bạc cũng vừa bị sụt lún nghiêm trọng.

Trước nhà ông Dương Văn Út, ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau, hiện mực nước kênh Bờ Cản đã rút sâu, chênh lệch hơn 1m so với đầu mùa khô. Trước Tết, bỗng nhiên đoạn bờ kênh dài gần 20m trước cửa nhà ông bị sụp lún xuống 1,5m; sau đó gây ra vụ sạt lở ăn sâu vào đất liền 2-3 m, ảnh hưởng đường giao thông nông thôn. “Mấy năm trước sụt lún cũng có diễn ra nhưng lở ít ở mé bờ sông chứ không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đường giao thông như thế này. Chúng tôi lo ngại những đoạn này có thể sạt lở nghiêm trọng hơn, tiềm ẩn nguy hiểm cho người qua lại”- ông Út nói.

Sụt lún đường trăm tỉ

Vào rạng sáng ngày 30-1, tại tuyến đường Tắc Thủ - Đá Bạc (đoạn qua Nông trường 402, thuộc ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) xảy ra 1 vụ sụt lún với chiều dài khoảng 18m. Điểm sụt lún ăn sâu vào mặt đường hơn 2m, độ sâu sụt lún so với mặt đường khoảng 1,5-1,8m. Tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc là dự án đầu tư xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn đê biển Tây phục vụ quốc phòng an ninh khu vực hòn Đá Bạc, kết hợp với phòng chống cháy rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Tuyến đường do Công ty CP Đầu tư - xây dựng Đồng Tâm ký hợp đồng xây dựng - chuyển giao với UBND tỉnh Cà Mau vào năm 2015. Toàn tuyến dài hơn 29km, có trị giá khoảng 702 tỉ đồng. Hiện ngành chức năng tỉnh Cà Mau đang làm rõ nguyên nhân xảy ra sụt lún tại đoạn đường vừa thông xe chưa được 1 năm này.

Không chỉ kênh Bờ Cản mà nhiều sông, kênh rạch khác trên địa bàn xã Khánh Bình Đông cũng diễn ra tình trạng sạt lở, sụt lún đất làm nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn rủi ro cho người lưu thông. Nguyên nhân diễn ra tình trạng nêu trên được cho là do mùa mưa năm nay kết thúc sớm, mực nước trong các kênh rạch rút nhanh, tạo ra chênh lệch khoảng cách lớn giữa bờ và lòng sông. Đặc biệt, gần đây, nước trong ruộng đồng cạn nhanh, người dân đồng loạt bơm nước nhằm đảm bảo sản xuất, càng làm tình hình thêm trầm trọng. “Năm nay thiếu nước sản xuất, người dân phải bơm nước vào ruộng làm kênh cạn nhanh. Nước trong ruộng thì tạo áp lực, rồi thấm ra phía ngoài nên từ từ bờ kênh bị sụp xuống”- chị Lê Thị Oanh, người dân xã Khánh Bình Đông, nói về nguyên nhân bờ sông trước nhà chị bị sạt lở.

Tình trạng sạt lở, sụt lún đất trong mùa khô này không chỉ gây thiệt hại nhiều cho các công trình công cộng mà còn ảnh hưởng trực tiếp tài sản của người dân. Cuối năm 2019, tại thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, cũng đã xảy ra vụ sạt lở đất, làm hư hỏng 2 căn nhà, ước tổng thiệt hại tài sản hơn 150 triệu đồng. Ông Hà Việt Hoa, 1 trong 2 hộ dân bị thiệt hại, cho biết: “Ban đầu nền nhà của gia đình có dấu hiệu rạn nứt. Sợ quá tôi mới làm kè bằng bê tông và cây dừa để khắc phục nhưng do nhà ở gần mặt lộ, xe tải trọng lớn chạy qua rung nên vết nứt ngày càng lớn. Chưa làm xong kè thì cả kè, cả nhà bị kéo ra phía ngoài sông luôn. Nhà tôi bị sạt lở sâu vào mất khoảng 3m nền nhà, thiệt hại gần 100 triệu đồng”.

Từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hàng trăm vụ sạt lở, sụt lún đất. Tính riêng huyện Trần Văn Thời đã có 81 tuyến kênh, rạch, với tổng chiều dài hơn 6,7km diễn ra tình trạng sạt lở, sụt lún đất. Hiện ngành chức năng và chính quyền địa phương đang tiến hành lập rào chắn và cắm biển cảnh báo ở những vị trí nguy hiểm. Đồng thời, khảo sát, mở đường tạm tại những đoạn lộ bị hư hỏng, đảm bảo giao thông an toàn.

Bài, ảnh: Hiếu Nghĩa

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/bao-dong-sat-lo-trong-mua-kho-han-a117886.html