Báo động - sách giáo khoa giả lại được dịp 'lộng hành' đầu năm học mới

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang vừa đồng loạt ra quân kiểm tra và tạm giữ gần 4.000 quyển sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo ghi nhận của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang, năm học mới sắp bắt đầu, thị trường sách giáo khoa càng trở lên sôi động. Tuy nhiên sách giáo khoa không qua kiểm định thường có sai sót như mờ chữ, mất nét, hoặc sai lệch về nội dung ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường. Nhận thức được những tác hại khi học sinh sử dụng phải sách giả, Cục QLTT Hà Giang phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kiểm tra nhiều cửa hàng sách trên địa bàn các huyện và thành phố Hà Giang.

Cụ thể, Đội QLTT số 3 đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 3 cơ sở kinh doanh sách giáo khoa: Hiệu sách Bắc Quang, tổ 3 thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang; cửa hàng Văn phòng phẩm Trung Hằng, tổ 10, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang và cơ sở kinh doanh Lê Ngọc Hạnh tại tổ dân phố Phố Mới, thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang.

Sách giáo khoa giả mạo nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tung hoành tại Hà Giang. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang

Sách giáo khoa giả mạo nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tung hoành tại Hà Giang. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang

Qua kiểm tra, 3 cơ sở trên đang bày bán 2.178 sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, được trà trộn xếp xen kẽ với sách thật thành từng bộ và xếp xen kẽ trên kệ bán cùng sách thật. Các đầu sách giáo khoa chủ yếu từ lớp 2 đến lớp 9, cụ thể: sách Tiếng anh, sách Lịch sử, sách Mỹ thuật, sách Tin học, sách thực hành Kỹ năng sống, sách bài tập rèn luyện kỹ năng sống.

Làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Đội Cục QLTT Hà Giang số 3 đã tạm giữ toàn bộ số sách trên để xác minh, giám định và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng thời điểm, Đội QLTT số 1 kiểm tra đột xuất tại cửa hàng sách và thiết bị trường học Bảo Trâm tại số 02, đường Yết Kiêu, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang. Qua kiểm tra đã phát hiện cửa hàng đang bày bán 711 quyển sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và được trà trộn xếp xen kẽ với sách thật trên kệ bán.

Các đầu sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 7, gồm: sách Lịch sử, sách Mỹ thuật. Tại thời điểm kiểm tra, ông Trần Ngọc Nghĩa - chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Đội QLTT số 1 đã tạm giữ toàn bộ số sách trên để xác minh, giám định và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tương tự, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 3 cơ sở kinh doanh sách giáo khoa: cơ sở ông Nguyễn Ngọc hoan, tổ 4 thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên; cơ sở bà Nguyễn Thị Thủy tại tổ 1, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên và cơ sở bà Trần Thị Chiến tại tổ 9 thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Qua kiểm tra đã phát hiện các cơ sở trên đang bày bán 731 quyển sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được trà trộn xếp xen kẽ với sách thật thành từng bộ hoặc xếp xen kẽ trên kệ bán cùng sách thật.

Các đầu sách giáo khoa từ lớp 2 đến lớp 12 gồm: sách Tiếng anh, sách Lịch sử, sách Mỹ thuật. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Đội QLTT số 2 đã tạm giữ toàn bộ số sách trên để xác minh, giám định và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nói tới sách không qua kiểm định, sách giả mạo đang 'lộng hành' trên địa bàn tỉnh, Cục QLTT tỉnh Hà Giang cho biết, các đối tượng thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như dán mã vạch, tem chống hàng giả, khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Các bậc phụ huynh khi mua sách cho con em mình, cần xem xét lựa chọn sách giáo khoa có nguồn gốc rõ ràng để mua được sách đảm bảo chất lượng.

Thời gian tiếp theo, Cục QLTT Hà Giang tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm, góp phần phục vụ tốt năm học 2020-2021 của tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung.

Nói tới tình trạng kinh doanh, buôn bán sách giáo khoa giả ngày càng nhiều, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hệ quả của in lậu sách giáo khoa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, gây thiệt hại lớn về kinh tế, làm thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tình trạng sách lậu tràn lan thị trường kèm với việc sách không có bản quyền vẫn ngang nhiên được cấp phép xuất bản. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, dù không có giấy phép in xuất bản phẩm, nhưng nhiều công ty, nhà in, cơ sở in vẫn tham gia in nhiều đầu sách theo sự móc ngoặc với đối tượng in lậu.

Trước tình trạng này, Bộ Giáo dục và đào tạo mong muốn các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi in lậu, in trái phép, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm in giả với chế tài xử phạt nghiêm khắc, đủ tính răn đe. Đưa hành vi sản xuất, in, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm giả là sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả để có mức xử phạt nghiêm khắc.

An Dương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bao-dong-sach-giao-khoa-gia-lai-duoc-dip-long-hanh-dau-nam-hoc-moi-d177212.html