Báo động ở giới trẻ hiện nay: Cứ 40 giây có 1 người tự tử

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố số liệu, cứ 40 giây có 1 người tự tử. Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong giới trẻ. Đặc biệt ở các nước có thu nhập cao, tỷ lệ nam giới tự tử cao gấp 3 lần phụ nữ. Ở Việt Nam đang báo động tình trạng này.

Việt Nam đang báo động tình trạng trầm cảm, nguyên nhân hàng đầu khiến giới trẻ tự tử hiện nay. Ảnh minh họa

Theo đó, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố một con số giật mình, cứ 40 giây có 1 người tự tử. Mỗi một người tự tử gây ra bi kịch cho cả một gia đình, là nỗi đau cho những bạn bè và đồng nghiệp.

Tuy nhiên tự tử có thể phòng ngừa. Có rất nhiều hình thức tự tử mà giới trẻ đang sử dụng như: Treo cổ, uống thuốc độc và dùng súng là các cách thức phổ biến để tự kết liễu cuộc đời.

Trong số thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi, tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở nữ giới , sau nguyên nhân mang thai ở tuổi vị thành niên và là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở nam sinh sau chấn thương ở trên đường và bạo lực giữa các cá nhân.

Theo WHO, gần 800.000 người chết vì tự tử mỗi năm, nhiều hơn số người thiệt mạng vì sốt rét, do bệnh ung thư vú, do chiến tranh hoặc do giết người.

Tỷ lệ tự tử khác nhau giữa các quốc gia lứa tuổi và giới tính, có những quốc gia, cứ 100.000 người thì có 5 người tự tử, nhưng có những quốc gia tỷ lệ này lên tới 30 người tự tử trên 100.000 dân.

Tỷ lệ tự tử ở nam giới cao gấp 3 lần phụ nữ ở các quốc gia có thu nhập cao, trong khi tỷ lệ tự tử giữa nam và nữ ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp tương đối cân bằng.

Theo đó, WHO kêu gọi các quốc gia cần phải hành động cụ thể để phòng chống tự tử. Tổng số nước có chiến lược ngăn ngừa tự tử quốc gia hiện chỉ có 38 quốc gia, vẫn còn quá ít các chính phủ tham gia và các nước cần phải cam kết đưa ra các chiến lược cụ thể phòng chống tự tử.

Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi tất cả các nước hợp tác trong chiến lược ngăn ngừa tự tử. Các biện pháp chính có hiệu quả trong việc giảm tự tử là hạn chế khả năng tiếp cận các phương tiện được sử dụng để tự tử.

Tăng cường giáo dục qua các phương tiện truyền thông, đưa ra các báo cáo về vấn nạn tự tử. Thực hiện các chương trình giáo dục trong giới trẻ nhằm xây dựng các kỹ năng sống cho phép họ có thể xử lý được với những căng thẳng trong cuộc sống. Xác định sớm và theo dõi những người có nguy cơ tự tử.

Hiện có nhiều bằng chứng quốc tế cho thấy các quy định cấm sử dụng thuốc trừ sâu có mức độ nguy hiểm cao có thể dẫn đến việc giảm tỷ lệ tự tử ở các quốc gia.

Bởi thuốc trừ sâu có độc tính cao, thường dẫn đến các ca tử vong, đặc biệt trong những tình huống không có thuốc giải độc hoặc không có cơ sở y tế gần đó.

Riêng tại Việt Nam, mỗi năm số người tự tử do trầm cảm từ 36.000 - 40.000 người. Nguyên nhân chủ yếu là do stress về các biến động trong gia đình, mâu thuẫn, khủng hoảng trong công việc. Người Việt còn chưa có kỹ năng để xử lý các khủng hoảng tinh thần.

Đặc biệt, những năm gần đây Việt Nam đang báo động với tình trạng trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Với phong tục tập quán, những hủ tục khiến cho người phụ nữ ngày càng bị bó buộc với những quan niệm cũ.

Theo đó đã đẩy người phụ nữ rơi vào chính bi kịch của mình mà không tìm được lối thoát. Họ bị trầm cảm nặng, tự ra tay giết hại những đứa con còn đỏ hỏn trên tay. Sau khi thức tỉnh thì đã quá muộn, họ đau xót và tự kết liễu đời mình.

Đây là tình trạng đang báo động trong xã hội Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Theo đó, đã có nhiều biện pháp được đưa ra để giảm thiểu tình trạng này.

Tuy nhiên, những biện pháp vẫn chưa được các cơ quan, ban ngành quan tâm nên mọi giải pháp vẫn chỉ đang dừng ở mức tuyên truyền, chưa có hiệu quả cụ thể.

Theo đó, các chuyên gia cảnh báo, trong cuộc sống công nghiệp, hiện đại ngày nay. Đặc biệt là ở các đô thị lớn, áp lực công việc, cuộc sống nhiều… khiến người ta dễ căng thẳng, stress, trầm cảm. Do đó, càng cần phải coi trọng lối sống lành mạnh, tự xây dựng cho mình tâm lý tốt trong mọi trường hợp.

Bệnh trầm cảm nguy hiểm nhưng nhiều người không điều trị bệnh này vì không biết mình mắc bệnh hoặc cảm thấy xấu hổ. Theo đó, bác sĩ khuyên, nếu nghi ngờ mình bị trầm cảm, cần đến bệnh viện để khám ngay.

Để điều trị bệnh này, không chỉ có thuốc, mà còn cần gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần, nhà trị liệu hoặc tư vấn, họ sẽ giúp người bệnh tầm soát bệnh trầm cảm và hỗ trợ bệnh nhân giải quyết những căng thẳng.

Lương Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-dong-o-gioi-tre-hien-nay-cu-40-giay-co-1-nguoi-tu-tu-post67946.html