Báo động nguy cơ xâm nhập mặn

Nhiều địa phương tại Quảng Nam đang bị xâm nhập mặn sớm, giải pháp đưa ra là xây đập ngăn mặn. Tuy nhiên, nguồn nước từ thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn đổ về quá ít không kịp đẩy mặn đi mới là vấn đề đáng lưu tâm. Tình trạng nhiễm mặn đang tiếp tục hoành hành trong khi hạn hán dự báo sẽ tiếp diễn đến tận tháng 9 năm sau. Lo lắng nhất là trong đợt xâm nhập mặn gần đây nhất đã ghi nhận nồng độ mặn lên đến 6 phần nghìn trong khi mức thông thường là 0,8%.

Mỗi năm TX Điện Bàn chấp nhận chi 2 tỷ đồng làm đập ngăn mặn để rồi phải tháo dỡ để thông dòng vào tháng 9.

Mỗi năm TX Điện Bàn chấp nhận chi 2 tỷ đồng làm đập ngăn mặn để rồi phải tháo dỡ để thông dòng vào tháng 9.

Mặn có nguy cơ lan rộng

TX Điện Bàn nằm ở hạ du sông Thu Bồn, Vu Gia là vùng lúa trọng điểm phía bắc tỉnh Quảng Nam đang đối diện với biến đổi khí hậu rất nặng nề. Điện Bàn lâu nay lấy "nông nghiệp là mặt trận số một, thủy lợi là biện pháp hàng đầu" nhưng tình trạng thời tiết diễn biến bất thường hiện nay khiến công tác ngăn mặn, chống hạn gặp muôn vàn khó khăn. Trên sông Vĩnh Điện (TX Điện Bàn), độ mặn qua các năm có xu hướng ngày càng tăng mạnh và lấn sâu vào vùng thượng lưu sông. Khu vực từ cầu Tứ Câu lên đến cầu Thanh Quýt, mức độ xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên. Thông tin từ phòng kinh tế TX Điện Bàn cho biết hạn, mặn đã thành mối quan tâm thường trực suốt nhiều năm qua của chính quyền địa phương. Tháng 2 hằng năm lúc mặn xâm nhập thì TX Điện Bàn phải làm một đập thời vụ 2 tỉ đồng để ngăn mặn rồi đến tháng 9 sẽ dỡ bỏ để thông dòng. Đập ngăn mặn thời vụ này ngăn mặn tạo nước ngọt cho 2.000 hecta lúa và phục vụ nước sinh hoạt cho 30.000 dân Điện Bàn và TP Hội An, 1 phần diện tích P. Hòa Quý Q. Ngũ Hành Sơn của TP Đà Nẵng. Năm nay diễn biến thời tiết thất thường, Elnino xuất hiện vào đầu tháng 11 nên không có mưa như mọi năm vì vậy nguy cơ những vùng khó tưới sẽ xâm nhập sớm và sâu hơn và khả năng mặn sẽ lan rộng đến phường Điện Minh, Điện An chứ không chỉ dừng ở thị trấn Vĩnh Điện.

Ông Nguyễn Viết Long-Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Điện Bàn cho biết: "Theo lịch của UBND tỉnh hiện nay chưa triển khai xuống vụ Đông Xuân nhưng khả năng hạn rất lớn và khi vào vụ thì công tác điều tiết nước sẽ rất khó khăn. Mặn đang bắt đầu xâm nhập vào trạm bơm Tứ Câu, năm nay lượng nước các hồ thủy điện chỉ tích được 30-40%, dòng chảy trên các sông mất đi từ 2-3 mét, vì vậy không có nước để đẩy mặn. Hiện nay nước cấp cho tưới tiêu nông nghiệp đã khó nhưng nước sinh hoạt càng khó khăn hơn và đã xuất hiện tình trạng nước sinh hoạt nhiễm mặn tại TP Hội An".

Rừng ngập mặn đang bị thu hẹp diện tích là một trong những nguyên nhân tác động đến việc xâm nhập mặn vào đất liền (ảnh CTV).

Có nguyên nhân từ con người

Mặc dù tình trạng hạn, mặn những năm gần đây có nguyên nhân từ thời tiết bất thường nhưng có nhiều căn cứ chứng minh rằng, nhiều khu vực nhiễm mặn của tỉnh có sự "tiếp tay" của con người. Vùng ven biển của tỉnh có chiều dài 125km thuộc địa bàn TX Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành. Tuy nhiên ghi nhận những năm qua nguồn nước ở nhiều khu vực thường bị nhiễm mặn vào mùa khô, với diện tích nhiễm mặn lên đến 3.687ha.

Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân chính khiến tình trạng mặn xuất hiện và gia tăng trong những năm gần đây đó là hành động tàn phá rừng ngập mặn để làm du lịch và nuôi trồng thủy sản. Điều này cũng đang là thực tế diễn ra tại TP Hội An, Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành. Khi chuyển mục đích sử dụng đất rừng ngập mặn sang các hoạt động khác khiến đất rừng ngập mặn bị suy thoái làm cho nước bị chua phèn, bị bỏ hoang không có khả năng canh tác và mặn dễ dàng xâm nhập vào đất liền. Theo số liệu thống kê, tại Quảng Nam, rừng ngập mặn trên địa bàn H. Núi Thành từ hơn 500ha trước năm 2000, đến nay tổng diện tích rừng chỉ còn hơn 100ha, tập trung ở các xã như Tam Giang Tam Hải, Tam Nghĩa. Trong khi đó các diện tích rừng ngập mặn dọc ven biển ở các địa phương khác cũng ngày càng thu hẹp. Còn tại thành phố Hội An, khu rừng dừa Bảy Mẫu rộng 120ha nhưng từ khi du lịch phát triển, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là thi nhau chặt dừa nước để san lấp lấy mặt bằng. Nhiều doanh nghiệp còn đổ đất đá xây kè chắn rồi bơm nước ngọt vào cho dừa tự chết. Ông Nguyễn Văn Sơn-Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết đã thống kê 19 trường hợp vi phạm xâm hại khu vực dừa nước và đã ra quyết định xử lý từng trường hợp cụ thể tuy nhiên vẫn không thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng này. Việc tàn phá rừng ngập mặn để phục vụ lợi ích trước mắt đã trở thành nguyên nhân gián tiếp khiến mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền.

Quảng Nam hiện nay đang huy động nguồn lực không nhỏ để ứng phó với xâm nhập mặn vùng ven biển. Thạc sĩ Hoàng Thanh Sơn (Viện Địa lý) cho biết ông và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng phương pháp địa vật lý sử dụng tư liệu viễn thám để đánh giá độ mặn của đất và nước; xác định các nguyên nhân của hiện tượng xâm nhập mặn vùng ven biển, bao gồm cả yếu tố tự nhiên và kinh tế - xã hội liên quan đến con người để dự tính hiện trạng xâm nhập mặn tại địa phương ven biển Quảng Nam đến năm 2030. Từ kết quả nghiên cứu sẽ phối hợp với Sở khoa học công nghệ đề xuất các giải pháp ứng phó công trình và phi công trình; xây dựng bản đồ dự tính xâm nhập mặn trên sông và đất liền nhiễm mặn đến năm 2030.

ĐỒNG DAO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_198360_bao-dong-nguy-co-xam-nhap-man.aspx