Báo động nạn buôn bán quân tư trang

Nếu không ngăn chặn được tình trạng mua bán quân phục, quân trang dùng cho ngành công an, quân đội thì rất khó dẹp việc giả danh công an, sĩ quan để lừa đảo. Vấn nạn trên đang ở tình trạng báo động.

Mua bán tràn lan từ trên mạng ra hè phố

Chỉ cần gõ cụm từ “Cảnh phục công an” hay “Quân phục bộ đội”, hàng loạt kết quả tìm kiếm hiện lên với các cửa hàng, hội nhóm rao bán mặt hàng này. Báo Lao động phản ánh, trên mạng xã hội Facebook, nhiều shop quảng cáo, giới thiệu chi tiết giá cả cho từng loại quân trang, quân phục. Chẳng hạn, thắt lưng có 4 loại, giá loại thấp nhất là 190.000, cao nhất là 280.000 đồng. Áo khoác 280.000 đồng/cái, áo thun 190.000 đồng/cái. Áo khoác có in logo, mũ thêu logo ngành 120.000 đồng. Ví khắc logo ngành 350.000 đồng/cái.

Một trang Facebook công khai rao bán đồ quân tư trang của lực lượng công an (Ảnh: Lao động)

Nhiều shop online còn bán, dập cả biển tên với giá 350.000 đồng/cái. Chỉ cần đọc tên và số hiệu là họ có thể dễ dàng làm cho người nào có nhu cầu. Việc mua bán, trao đổi luôn nhộn nhịp và thu hút khá nhiều lượt thích, hay bình luận mỗi lần “người bán” rao mặt hàng mới với những cam kết về chất lượng. Nếu muốn mua, khách hàng chỉ cần để lại địa chỉ, số điện thoại là hàng được “ship” đến tận tay, rất dễ dàng.

Trang phục được cho là của ngành công an được bán ở phố Lê Duẩn (Ảnh: Zing.vn)

Không chỉ rao bán công khai trên mạng, trang phục lực lượng vũ trang còn được bày bán “vô tư” trên đường phố. Theo ghi nhận của Petrotimes, tại các phố Lê Duẩn, Khâm Thiên, ngã tư Khuất Duy Tiến -Nguyễn Trãi (Hà Nội), nhiều cửa hàng công nhiên bày bán phục của lực lượng vũ trang. Cần loại nào, size gì cũng có với giá cả khá “bình dân”, dễ mua: quần áo 380.000 đồng một bộ; dây lưng công an 150.000 đồng, quân đội 170.000 đồng; giày ngành 300.000 đồng một đôi.

Ngoài trang phục, nếu khách hàng có nhu cầu làm biển hiệu, các dụng cụ hỗ trợ như dùi cui điện, đèn pin nghiệp vụ, súng bắn điện… thì đặt tiền trước, vài ngày sau sẽ có.

Báo Đồng Nai cũng cho biết, khu vực trước cổng Trường đại học Nguyễn Huệ (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) được coi là “thủ phủ” để mua “mặt hàng” cấm này. Những bộ quần áo giống y như quân phục, từ mẫu của lực lượng dân quân tự vệ đến các mẫu trang phục bộ đội theo đúng quy chuẩn. Nhìn bên ngoài, những bộ trang phục được may khá chuẩn, từ màu sắc đến các đường viền đều rất chuyên nghiệp. Gần 10 cửa hàng nằm san sát nhau, lúc nào cũng có khách vào hỏi mua.

“Nối giáo” cho tội phạm

Quân phục, cảnh phục của lực lượng Quân đôi nhân dân (QĐND) hay Công an nhân dân (CAND) là những mặt hàng được Nhà nước sản xuất riêng và trang bị, cấp cho các đơn vị, cá nhân trong lực lượng vũ trang để thực thi nhiệm vụ; thuộc danh mục cấm kinh doanh, buôn bán.

Người được cấp phát có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Khi chuyển ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi các quân trang thiết bị này.

Do vậy việc mua, bán, lưu thông, sử dụng những bộ cảnh phục, thiết bị chuyên dùng này thực chất là mua, bán “Hàng cấm”.

Khoản 3, Điều 4, Nghị định 82 năm 2016 quy định về Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ: cấm các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân làm giả, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Khoản 5, Điều 1, Nghị định số 29 năm 2016, Nghị định của Chính phủ đã sửa đổi bổ sung Nghị định 160 năm 2007 cũng đã quy định rõ về cấp hiệu, phù hiệu, trang phục của CAND. Nghiêm cấm các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Công an nhân dân.

Luật là vậy, nhưng có lẽ do hiểu biết của một số cá nhân còn hạn chế, hoặc vì lợi nhuận, họ vẫn “vô tư” vi phạm. Sự dễ dàng trong việc mua bán quân trang, phù hiệu của lực lượng quân đội, công an hiện nay đã tạo ra nhiều kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng trục lợi. Chỉ cần bỏ ra số tiền vài trăm ngàn đồng, nhiều đối tượng có thể “ung dung” khoác lên mình trang phục của lực lượng vũ trang, từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Mũ, quân hàm có gắn sao, giày sĩ quan… cùng công cụ hỗ trợ được bày bán công khai tại phố Lê Duẩn (Nguồn: Petrotimes)

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh sĩ quan công an, quân đội, với những chiêu trò tinh vi.

Như thông tin của báo Lao động, tháng 12/2017, đối tượng Lê Quang Long (34 tuổi, quê Lâm Đồng) bị bắt vì hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do thiếu tiền, Long đã mua bộ cảnh phục công an và giả danh thành Phó Đội trưởng C45 để lừa người mua xe thanh lý với giá 539 triệu đồng.

Tháng 6/2017, Quách Văn Ngọc, 26 tuổi, quê huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa bị phát giác giả danh công an trộm cắp tài sản. Tại cơ quan điều tra, Ngọc khai nhận y mặc trang phục công an với cấp hàm trung úy để tạo niềm tin với mọi người, dễ bề thực hiện hành vi phạm pháp.

Nhiều đối tượng còn giả mạo cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động chặn đường xe lưu thông để cưỡng đoạt tài sản của người dân, đặc biệt phổ biến tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM…

Các đối tượng khi bị bắt đều khai: Do thấy việc mua bán quân phục, cảnh phục cùng các công cụ hỗ trợ quá dễ dàng nên nảy sinh ý đồ xấu để trục lợi.

Phải mạnh tay xóa sổ

Một số loại quân trang ngành công an được bày bán trên thị trường (Ảnh: Lao động)

Đã đến lúc phải có biện pháp giải quyết triệt để, không để kẻ xấu lợi dụng, gây ảnh hưởng tới hình ảnh người chiến sỹ CAND và QĐND Việt Nam cũng như tính trang nghiêm và uy tín của lực lượng vũ trang.

Vì vậy, cần tăng cường phối hợp rà soát, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, mua bán và sử dụng trái phép quân trang, quân phục.

Bên cạnh đó, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải chú trọng công tác giáo dục cán bộ, chiến sĩ (nhất là các Học viện, Trường CAND, QĐND), nghiêm cấm mua bán, cho, tặng trang phục, thiết bị; đồng thời, yêu cầu giám sát chặt chẽ các đơn vị sản xuất, cung ứng quân trang, quân phục.

Tùy từng trường hợp cũng như tính chất, mức độ vi phạm, các đối tượng vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Về xử phạt hành chính: Được quy định tại Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng), cụ thể:

Với hành vi buôn bán quân phục, thiết bị của CAND có giá trị từ 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì các đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 100 triệu triệu đồng;

Với hành vi sản xuất ra quân phục, thiết bị đó có thể bị xử phạt hành chính số tiền gấp đôi mức phạt trên.

Ngoài ra đối tượng vi phạm còn bị xử lý các hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.

Ngoài ra các đối tượng vi phạm còn có thể bị xử lý về hình sự:

Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190 về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” và Điều 192 “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” của BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

Cẩm Thi (tổng hợp)

Nguồn Kiểm Sát: http://kiemsat.vn/bao-dong-nan-buon-ban-quan-tu-trang-50451.html