Báo động mua bán súng trên mạng

Từ vụ nam sinh viên tử vong do trúng đạn lạc súng hơi cách đây ít ngày, một lần nữa dư luận lại đặt câu hỏi về việc quản lý, xử lý các hành vi buôn bán trái phép loại súng này trên mạng xã hội.

Công an quận Thanh Xuân ( Hà Nội) thu giữ số lượng lớn súng săn Ảnh: công an cung cấp

Công an quận Thanh Xuân ( Hà Nội) thu giữ số lượng lớn súng săn Ảnh: công an cung cấp

Dễ dàng

Theo tìm hiểu, việc buôn bán các loại súng săn (PCP), súng bắn đạn bi (súng Airsoft hay súng hơi hạng nhẹ) đã diễn ra từ nhiều năm nay. Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội Facebook, YouTube còn xuất hiện nhiều hội nhóm, kênh video giới thiệu, rao bán các loại súng mới, nhái (tỷ lệ 1:1) theo các loại súng thật do nước ngoài sản xuất với mẫu mã đa dạng, bắt mắt và có giá tới cả chục triệu đồng.

Súng săn thông dụng được quảng cáo trên mạng xã hội chủ yếu là loại PCP Condor hay Airsoft có mẫu mã giống AK47,G36C, K54, Colt, súng bắn tỉa,… Trong một video được chia sẻ trên mạng Youtube, người bán hàng quay lại cảnh “đập hộp” một khẩu súng AK bắn đạn bi sắt nhái mẫu mã súng của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Qua video, anh ta đã xếp một hàng bia lon trên bàn rồi lùi đứng xa hơn chục mét, sau một cú lia súng, nước bắn tung tóe, vết đạn lỗ chỗ trên vỏ lon. Theo người quay video, mức độ sát thương của loại súng này cực lớn nếu mục tiêu tầm 20 mét trở lại.

Vào vai người đi mua hàng, chúng tôi liên hệ với một shop (cửa hàng) có tên “cu tý - cu tèo” đang quảng cáo rầm rộ trên YouTube chuyên buôn bán cung cấp súng và linh kiện súng PCP có số điện thoại 0979256XXX.

Sau khi hỏi về khả năng tài chính của khách, chủ shop giới thiệu khẩu PCP Condor Talon sử dụng đạn chì, có mức giá khoảng 5,8 triệu đồng gồm đầy đủ tính năng như ống ngắm hỗ trợ chống lệch tâm; có đèn hồng ngoại hỗ trợ soi vào ban đêm; bình hơi nhôm; giảm thanh,… bắn xa khoảng 60-70m. Còn đạn chì được bán với giá 350-450 nghìn đồng/1kg tùy vào kích cỡ, chủng loại.

Về cách thức giao dịch, chủ shop này cho hay có thể chuyển hàng theo hình thức gửi bưu kiện hoặc gửi theo ô tô khách, sau khi kiểm tra hàng, khách thanh toán tiền cho người giao hàng. Để tránh việc bị cơ quan chức năng kiểm tra, shop sẽ “xé nhỏ” khẩu súng thành 2-3 đơn hàng chứa các bộ phận, linh kiện khác nhau rồi sau đó xem lại video hướng dẫn để tự lắp hoàn chỉnh.

“Khi nhận hàng, bác được đồng kiểm một số chi tiết cùng nhân viên giao hàng, trừ khung súng sẽ không được xem. Vì đây là bộ phận quan trọng nên không được xem hàng trước khi trả tiền và để an toàn cho cả em và bác thôi” - chủ shop nói.

Còn đối với hình thức gửi xe ô tô, shop sẽ lắp ráp hoàn chỉnh rồi gửi, khi nhận hàng khách thanh toán tiền với nhà xe. “Nếu muốn kiểm tra hàng bác bảo với nhà xe cho rạch một đường nhỏ ra là xem là được mà, em ráp xong sẽ gọi điện video trực tiếp cho bác xem. Em còn cung cấp thêm linh kiện như bình hơi, van, kính ngắm... để thay thế, nâng cấp” - người bán tiếp tục chào hàng.

Một shop khác có tên PCP Condor Mỹ Đình có số điện thoại 0981083XXX báo giá từng chi tiết cho khách hàng một khẩu súng tầm trung với giá khoảng 6 triệu đồng, bắn xa 60m trúng tâm. Cụ thể, linh kiện như khung, cò, ruột, tay cầm gỗ giá khoảng 2 triệu đồng; kính ngắm giá 1 triệu đồng, nòng có giá 1,4 triệu đồng, van áp 11kg có giá 900 nghìn đồng, bình nhôm hơi khoảng 450 nghìn đồng… Ngoài ra, shop còn có cả những khẩu PCP Condor mức giá thấp hơn như giá 4,5 triệu đồng có thể bắn xa 30-40m; loại giá 5,3 triệu đồng có khả năng bắn xa 60-70m.

Theo chủ shop PCP Mỹ Đình, súng sẽ được lắp ráp, căn chỉnh trước khi gửi cho khách tuy nhiên: “hàng đến - tiền trao, không được kiểm tra hàng”.

Ngoài các loại súng săn PCP, còn có các loại súng Airsoft vỏ nhựa, metal sử dụng gas bắn đạn bi nhựa hoặc chì. Theo một số người chia sẻ, loại súng này cũng nguy hiểm không kém súng PCP, khi bắn vào mắt có thể bị mù hoặc gây thương tích trên cơ thể nếu không mang đồ bảo hộ.

"Bó tay" với giao dịch qua mạng?

Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng buôn bán, thu giữ nhiều loại súng bắn đạn bi, đạn chì. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý và chế tài xử lý dường như chưa đủ mạnh để giải quyết triệt để tình trạng mua bán loại “đồ chơi” nguy hiểm trên.

Trao đổi với phóng viên, trung tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân cho biết, cách đây không lâu, đơn vị của ông đã thu giữ lô hàng 270 nòng súng, 195 khung súng, 1 máy khắc laser, 1 máy nén thủy lực và 1 cuộn chì với 1 số chi tiết súng săn của đối tượng Trần Mạnh Linh (SN 1986, trú Đống Đa, Hà Nội). Làm việc với công an, Linh khai mua số hàng trên từ Trung Quốc mang về rao bán trên mạng để kiếm lời.

“Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm và kiên quyết xóa các video quảng cáo, hướng dẫn sử dụng các loại súng săn trên mạng Youtube. Hiện nay nhiều người, trong đó có trẻ em nhận thức chưa đầy đủ tác hại của loại súng này nên có thể học theo các đoạn video này, sau đó mua về mang ra khoe hay bắn các loại động vật trong tự nhiên không may trúng vào người rất nguy hiểm” - trung tá Thành nói.

Luật sư Trần Tuấn Anh - Cty Luật Minh Bạch cho rằng, thời gian vừa qua liên tục xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng như cố ý gây thương tích, giết người, đe dọa giết người, cướp tài sản liên quan đến việc sử dụng súng (vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn...) có thể một phần do việc mua bán các loại hung khí quá dễ dàng.

Vẫn theo luật sư Tuấn Anh, việc quảng cáo, mua bán, trao đổi phương thức vận chuyển đối với các mặt hàng này chủ yếu thực hiện trên không gian mạng cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm từ gốc. Mặt khác, chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ đối với các mặt hàng súng trên khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

“Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hành vi sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả chỉ bị xử phạt từ 2 đến 4 triệu đồng; xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Khi gây ra hậu quả chết người hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn tái phạm thì mới có căn cứ xử lý hình sự và chế tài đối với hành vi này cũng rất nhẹ” - luật sư Tuấn Anh cho biết.

Nhiều loại súng được rao bán tràn lan trên mạng

Tối 30/10, trung úy công an Nguyễn Xuân T. (ở quận Đống Đa, Hà Nội) mang khẩu súng dạng súng hơi mua trên mạng ra quán nước gần nhà ngồi cùng bạn bè để khoe và không để ý bên trong súng có đạn. Do bất cẩn đã thử bóp cò khiến một nam sinh viên năm thứ 4 ( Đại học Giao thông Vận tải) ở cách đó khoảng 40m không may bị trúng đạn. Trung úy công an cùng những người bạn chạy đến giúp đỡ đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, nạn nhân tử vong.

Thanh Hà - Dương Lê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/bao-dong-mua-ban-sung-tren-mang-1745849.tpo