Báo động lún tăng nhanh ở TP.HCM: Ồ ạt xây cao tầng?

GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún ở TP.HCM là phát triển quy hoạch đã đi ngược quy luật tự nhiên.

Tại hội thảo do Sở TN-MT TP.HCM tổ chức mới đây, nhiều ý kiến không giấu được lo lắng khi các nghiên cứu cho thấy TP.HCM đang sụt lún khá nhanh, kéo theo nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

Theo báo cáo của TP.HCM, ở thời điểm năm 2015 tình trạng sụt lún ở một số khu vực, trung bình quan trắc là 28mm, nhưng tốc độ thay đổi bề mặt đo được tới hơn 15mm/năm và đến nay có khu vực đã lún sâu hơn nửa mét và có thể quan sát trực tiếp. Khu vực lún sụt nhanh được xác định trong phạm vi hơn 356 ha, trong khi các khu vực có tốc độ lún 5-10mm/năm thì lên tới gần 4.400 ha.

Không bất ngờ trước thông tin này, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cho biết, tình trạng sụt lún của TP.HCM đã được chỉ ra từ lâu, vấn đề là không phải nơi nào cũng sụt lún và mức độ sụt lún khác nhau.

Những nơi như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức... có nền đất cứng, không bị sụt lún, trong khi các phía tây nam, đông nam thành phố lại bị lún nặng, tiêu biểu như Bình Chánh - theo nghiên cứu cách đây gần 10 năm, bị sụt lún 3cm/năm, quận 7, Nhà Bè. Nguyên nhân là do nền đất yếu, phía dưới có một lớp hữu cơ dày, cho nên khi xây nhà ở vùng này phải đóng cọc sâu xuống 50m, khu vực như Đại học Hutech phải đóng cọc sâu 55-60m vì đó là vùng biển cũ.

Nền đất TP.HCM yếu nhưng lại phải tải một khối lượng lớn công trình xây dựng, đường sá, nhà cao tầng, chung cư, các công trình xây dựng ồ ạt, dai dẳng khiến tình trạng sụt lún càng nghiêm trọng.

Ngoài ra, GS Lê Huy Bá cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác như: nước xâm nhập vào đất, làm nhão đất; túi nước ngầm dưới sâu bị khai thác, tạo thành những khoảng trống ở trong đất, gây lún...

Nhiều năm qua, nền đất ở hẻm bên hông tòa nhà The Manor (quận Bình Thạnh) bị lún sụt khá sâu. Ảnh: Lao động (ảnh chụp năm 2019)

Nhiều năm qua, nền đất ở hẻm bên hông tòa nhà The Manor (quận Bình Thạnh) bị lún sụt khá sâu. Ảnh: Lao động (ảnh chụp năm 2019)

"Trong quy hoạch lẽ ra phải thuận theo quy luật tự nhiên mà làm, đằng này lại đi ngược. Thay vì phải mở ra nhiều đô thị vệ tinh thì người ta lại ồ ạt xây nhà cao tầng. Đô thị được phát triển mạnh ở cả những vùng trũng, thấp phía đông nam thành phố. Như khu vực quận 7, Nhà Bè càng đi về phía Cần Giờ thì địa chất càng yếu và dễ xuất hiện các đứt gãy trong lòng đất nhưng mức độ đô thị hóa ngày càng tăng", vị chuyên gia dẫn chứng và cho rằng không phải các nhà quy hoạch, thiết kế xây dựng không biết địa chất của TP.HCM ra sao, trái lại họ biết mà vẫn làm bởi lợi nhuận cao, xây thêm 1 tầng thì lợi nhuận kiếm được tốt hơn nhiều so với việc mở ra đô thị vệ tinh.

Điều nguy hiểm hơn, theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, có hiện tượng trượt trong lòng đất và hiện tượng này rất khó khắc phục. Theo đó, có lớp phù sa cận sinh và mới hoàn toàn nằm trên lòng nghiêng của dòng sông cổ nên chúng cứ truội xuống dần.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh và cầu Văn Thánh 2 ở quận Bình Thạnh là hai trong số những trường hợp như vậy và từng được xem là điển hình về công trình siêu lún đến mức không kiểm soát nổi. Hệ quả là dẫu có nâng đường lên thì trước sau cũng sẽ bị trượt xuống, trong khi các cơ quan chức năng phải liên tục chi tiền tỷ để sửa chữa, bù lún cho công trình, thậm chí vượt quá số tiền xây lắp ban đầu.

Từ thực trạng trên, GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng rất khó để cho TP.HCM sửa sai. Điều thành phố cần làm là lập lại bản đồ địa mạo thổ nhưỡng ở tầng sâu và bản đồ địa chất nền, qua đó xác định được những địa điểm nào vốn là nền sông, vũng, vịnh… để hạn chế xây dựng, đồng thời định vị lại những khu đất sẽ được xây dựng.

TP.HCM phải lưu ý tới việc mở ra các đô thị vệ tinh, chú trọng việc phát triển đô thị về hướng bắc và tây bắc như Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức... Đây là các khu vực này có nền đất cứng nên chi phí cho việc xây dựng tại đây thấp hơn từ 3 - 4 lần so với xây dựng tại vùng trũng đông nam, chi phí chống lún, chống ngập, chống nước biển dâng... cũng ít hơn nhiều.

Một điểm khác, theo vị chuyên gia, TP.HCM phải có chính sách kiểm soát, hạn chế, tiến tới cấm triệt để khai thác nước ngầm, không thể để tình trạng nhà nhà có giếng khoan.

Ông chỉ ra thực trạng: lực lượng quản lý môi trường nói chung, quản lý về nước ngầm nói riêng từ cấp sở đến UBND quận, huyện đã yếu, lại xử lý không nghiêm minh. Trong khi đó, các đơn vị khai thác nước ngầm quá mức phục vụ sản xuất lại đóng thuế tài nguyên nước quá ít. Bởi vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần mạnh mẽ hơn, những khu vực nào đã đảm bảo cung cấp nước máy thì kiên quyết cấm khai thác nước ngầm.

Đối với những vùng đã bị sụt lún nghiêm trọng, vị chuyên gia cho rằng phải di dời dân, gia cố nền đất, chống lún bằng cách đóng cọc bê tông. Tuy nhiên, đây là phương pháp thủ công cổ điển rất tốn kém.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/bao-dong-lun-tang-nhanh-o-tphcm-o-at-xay-cao-tang-3424316/