Báo động: Liên tục tiếp nhận trường hợp trẻ bị viêm dạ dày cấp

Hầu hết các trẻ đều nhập viện trong tình trạng viêm, xung huyết, phình vị xung và dương tinh với vi khuẩn HP.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, thời gian gần đây bệnh viện thường xuyên tiếp nhận trẻ bị viêm dạ dày cấp. Đáng chú ý, những bệnh nhi này đều còn rất nhỏ, chỉ từ 5 đến 12 tuổi.

Trường hợp đầu tiên là bé B.G.B. (5 tuổi) nhập viện và được các bác sĩ khám lâm sàng, chỉ định nội soi dạ dày gây mê. Ngay sau khi có kết quả nội soi, các bác sĩ và gia đình đều bàng hoàng khi phát hiện hình ảnh xung huyết, viêm, phình vị viêm xung huyết và dương tính với vi khuẩn HP của bé.

Qua khai thác tiền sử, mẹ bé B. cho biết, trước đó khoảng 1 tuần, bé B. xuất hiện những cơn đau bụng âm ỉ, ợ hơi liên tục. Quá lo lắng, gia đình mới đưa bé đi thăm khám tại bệnh viện.

“Ban đầu, tôi không hề nghĩ đến việc con tôi còn nhỏ tuổi như vậy đã viêm dạ dày và dương tính với vi khuẩn HP. Gia đình tôi chưa ai đi nội soi dạ dày và làm xét nghiệm bao giờ nên không rõ bản thân có bị nhiễm vi khuẩn HP hay không”, mẹ bé B. nói.

 Ngày càng nhiều trường hợp bệnh nhi tuổi còn rất nhỏ nhưng đã bị viêm loét dạ dày. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Ngày càng nhiều trường hợp bệnh nhi tuổi còn rất nhỏ nhưng đã bị viêm loét dạ dày. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Giống trường hợp của bé B. là bệnh nhi N.X.H. (12 tuổi). Bé H. nhập viện do viêm loét hành tá tràng và dương tính với vi khuẩn HP.

Khoa Nội – Nhi – Đông y, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cũng tiếp nhận không ít những bệnh nhi mắc tình trạng như hai bé. Trong đó đa phần gia đình đều không hề hay biết và khá bất ngờ với căn bệnh của con mình.

Các bác sĩ cho biết, việc các bé nhỏ tuổi nhập viện điều trị viêm dạ dày và nhiễm vi khuẩn HP không còn hiếm và đang có dấu hiệu gia tăng.

Bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhi bị viêm loét dạ dày cho biết, vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) rất dễ lây nhiễm, đặc biệt là ở trẻ em bằng nhiều cách khác nhau như ăn thực phẩm không được làm sạch, không được nấu chín kỹ, uống nước bị nhiễm khuẩn, không rửa tay trước khi ăn, tiếp xúc nước bọt, hôn, dùng chung đồ ăn hoặc bàn chải đánh răng với người nhiễm vi khuẩn HP.

Ngoài ra, do hệ miễn dịch của các bé còn rất yếu nên rất dễ lây nhiễm và khi bị nhiễm sẽ diễn biến bệnh rất nhanh. Vi khuẩn HP là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm, loét dạ dày, tá tràng.

Khi trẻ bị các bệnh về dạ dày thường có biểu hiện như đầy hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, ăn mất ngon, sụt cân, nôn ra máu hoặc phân đen (do xuất huyết trong dạ dày hoặc tá tràng).

Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần hết sức lưu ý những biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần chú ý vệ sinh sạch sẽ đồ dùng cá nhân của con, không dùng chung muỗng, thìa, bát,… ăn sạch, uống sạch, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Đặc biệt tránh nhai cơm mớm cho trẻ hoặc hôn trẻ vì đó là con đường lây nhiễm vi khuẩn HP nhanh nhất.

Video: Dưa chua, món ăn khiến bé gái 4 tuổi ở Trung Quốc bị ung thư dạ dày

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bao-dong-lien-tuc-tiep-nhan-truong-hop-tre-bi-viem-da-day-cap-d453714.html