Báo động khan hiếm hải sản do đánh bắt tận diệt

Nhiều tháng trở lại đây, ngư dân đánh bắt vùng ven biển Cửa Nhượng, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên 'kêu trời' vì nguồn hải sản quanh vùng bỗng nhiên trở nên khan hiếm. Những chuyến đi biển trở về tay không, khiến ngư dân chẳng còn mặn mà cất vó.

Hải sản khan hiếm do đánh bắt bằng xung điện, nhiều ngư dân Cẩm Nhượng gác thuyền tại bến. Ảnh: HY

Hải sản khan hiếm do đánh bắt bằng xung điện, nhiều ngư dân Cẩm Nhượng gác thuyền tại bến. Ảnh: HY

Đi chuyến nào lỗ chuyến đó

Tháng tư hàng năm là thời điểm thuận lợi để ngư dân ra khơi. Vào những năm trước tại “đại ngư trường” Cửa Nhượng, những chuyến thuyền về đầy ắp cá tôm. Người đi biển thu lợi nhuận hàng chục triệu, có chuyến hàng trăm triệu đồng.

Năm nay, trái với cảnh thuyền bè tấp nập, là những con thuyền nằm tựa lưng vào nhau yên vị trên bờ. Nguyên nhân khiến ngư dân Cửa Nhượng không mặn mà ra khơi là do hải sản khan hiếm, đi chuyến nào lỗ chuyến đó. Thậm chí, các chủ thuyền không đủ trả tiền dầu máy, tiền thuê nhân công.

Vừa sửa soạn ngư cụ xếp lên thuyền để trở về Thanh Hóa, ông Nguyễn Chung buồn bã nói: “Các năm trước, tôi đánh bắt tại ngư trường này đến tầm tháng 6, tháng 7 nhưng thời điểm này, sản lượng đánh bắt đạt thấp, không đủ tiền trang trải dầu máy, các chi phí khác nên đành sửa soạn để cho thuyền nhổ neo. Mọi năm, đến thời điểm này, thuyền của tôi đã đánh bắt được sản lượng khoảng 200 triệu đồng nhưng năm nay mới chỉ đạt khoảng 50 triệu đồng. Tại vùng biển này, năm nào cá và mực rất nhiều. Ở đây lại có khu du lịch biển nên thuyền bè về chuyến nào cũng bán hết. Sản lượng cao, giá thành tốt nên thuyền bè tập trung về đây rất đông. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay hải sản bỗng nhiên khan hiếm, rất khó bắt nên tôi gặp rất nhiều khó khăn…”.

Tình trạng “đột nhiên” khan hiếm hải sản tại vùng được coi là lắm tôm nhiều cá nhất nhì của vùng biển Hà Tĩnh, khiến người dân lo lắng.

Hiện nay, các thuyền bè ra khơi không bắt được hải sản dẫn đến việc đi chuyến nào lỗ vốn chuyến đó. Mặc dù thương lái có đẩy giá lên cao cũng không có hàng để mua.

Chị Nguyễn Thị Nhàn, một thương lái chuyên thu mua hải sản tại khu vực biển Cửa Nhượng cho biết: “Tôi buôn bán hải sản ở đây hàng chục năm rồi nhưng chỉ riêng năm nay nguồn hải sản ít ỏi, thu mua không đủ để nhập cho các nhà hàng. Riêng mực hiện nay giá thu mua cao gấp đôi, có thời điểm cao gấp rưỡi nhưng không có để nhập hàng. Tôi phải đi mua ở các cảng khác ở huyện Kỳ Anh, Lộc Hà về bán cho các nhà hàng tại khu du lịch Cẩm Xuyên”.

Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng, PV được biết, việc khan hiếm thủy, hải sản đã ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân. Hiện nay, nhiều tàu thuyền ra khơi không đủ bù đắp chi phí dầu máy, thuê thuyền viên nên nhiều người chọn phương án ở nhà làm các công việc khác.

Ngư dân ra khơi đánh bắt cả ngày chỉ thu được một mớ cá nhỏ. Ảnh: HY

Khan hiếm do đánh bắt tận diệt

Ông Nguyễn Sỹ Huyền, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hải sản khan hiếm là do ngư dân dùng xung kích điện đánh bắt hải sản. Thời gian gần đây, tình trạng ngư dân dùng xung kích điện, thậm chí là máy xung điện để đánh bắt cá là một trong những nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi thủy, hải sản ven bờ. So với trước đây, lượng thủy, hải sản vùng lộng hiện chỉ bằng 20 - 30%. Về sản lượng, 3 tháng đầu năm, toàn xã Cẩm Nhượng đạt 300 tấn thủy, hải sản, chỉ đạt một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của chính quyền xã Cẩm Nhượng, trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, có khoảng 40 tàu cá sử dụng xung kích điện cao áp. Trong đó, Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh khoảng 30 tàu, Cẩm Lộc khoảng 10 tàu, chưa kể một số tàu, thuyền của các tỉnh khác đánh bắt trong khu vực này.

Biển đã hiếm cá, mực mà các tàu thi nhau đánh bắt bằng xung điện, kích điện khiến những đàn cá con cũng bị tận diệt. Đây là nguyên nhân chính khiến nguồn lợi hải sản ở vùng biển này đang dần cạn kiệt. Trước tình trạng đáng báo động này, chính quyền xã Cẩm Nhượng đã có văn bản báo cáo, đề xuất gửi Công an, UBND huyện Cẩm Xuyên và Đồn Biên phòng Thiên Cầm (Biên phòng Hà Tĩnh) có kế hoạch phối hợp và phương án quán triệt, tuyên truyền ngư dân để đảm bảo an ninh trật tự trên biển, bảo vệ nguồn thủy sản và môi trường biển.

Ngày 20/4, Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Nhượng (Đồn Biên phòng Thiên Cầm) tuần tra, kiểm soát trên biển, phát hiện 2 tàu cá HT 20812 TS (công suất 48 CV) do ngư dân Nguyễn Văn Ngự (SN 1979) và tàu cá HT 20779 TS (công suất 36 CV) do ngư dân Võ Văn Hường (SN 1989), cùng trú tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quang Đông, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình sử dụng kích điện để đánh bắt thủy, hải sản gần bờ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 10 bộ kích điện tự chế. Các đối tượng tham gia đánh bắt hải sản trên 2 thuyền khai nhận đã sử dụng toàn bộ các dụng cụ trên để khai thác thủy, hải sản.

Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Nhượng phát hiện, thu giữ 10 bộ kích điện tự chế đang chuẩn bị đánh bắt hải sản bằng xung kích điện. Ảnh: HY

Sở dĩ các tàu thuyền bất chấp để dùng kích điện, bất chấp pháp luật một phần cũng do chế tài xử phạt các phương tiện vi phạm còn dàn trải, cần quy về một đầu mối, có một cơ quan đứng ra chủ trì xử lý, các đơn vị khác phối hợp thì việc xử phạt mới có hiệu ứng, mang tính răn đe hơn.

Hoạt động khai thác thủy, hải sản bất hợp pháp diễn ra rất tinh vi, các thuyền dùng xung điện, kích điện để đánh bắt hải sản chỉ vì lợi ích trước mắt đã gây ra hệ quả nghiêm trọng, không chỉ hủy hoại nguồn lợi thủy sản mà còn tước đi kế sinh nhai của ngư dân.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, thiết nghĩ cần phải có chế tài xử lý mạnh tay đối với những tàu thuyền vi phạm, đồng thời tuyên truyền phổ biến cho người dân hiểu biết về hậu quả của việc dùng xung kích điện đánh bắt hải sản ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đối với chính họ. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan để kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền đánh bắt tại khu vực nhằm chấm dứt tình trạng dùng xung kích điện tận diệt hải sản.

Hải Yến

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/bao-dong-khan-hiem-hai-san-do-danh-bat-tan-diet_t114c1159n133199