Báo động gia tăng ngộ độc ma túy tổng hợp

Sáng 16.1, BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách trung tâm chống độc BV Bạch Mai, Hà Nội cho biết, đang điều trị hai ca ngộ độc cấp tính ma túy (MT) đá rất nặng.

Cho đến nay chưa có thuốc cai nghiện Amphetamine.

Cho đến nay chưa có thuốc cai nghiện Amphetamine.

Cô Trần Thị Cẩm T, 16 tuổi, quê Kiên Giang, bán mỹ phẩm ở Hòa Bình, được chuyển đến Trung tâm ngày 4.1, khi đang hôn mê, huyết áp tụt, co giật, kích thích, vật vã, có dấu hiệu tổn thương tim do sốc... Sau hơn 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã ra khỏi hôn mê, huyết áp ổn định, hết co giật và vật vã, tim mạch ổn định. Tuy nhiên, hỏi gì cũng ngơ ngác và chỉ trả lời “không biết, không nhớ gì”, thậm chí không nhận ra cả bố. BS nói rằng, để trở về bình thường, sẽ cần thời gian dài. Ông M - ba của T, cho biết, cách đây 5 tháng, em xin ra Hòa Bình bán mỹ phẩm, hàng tháng gửi cho ba mẹ 2,5 triệu đồng và vẫn gọi về nói là công việc tốt, làm ba mẹ rất yên tâm. Nhận tin cháu ngộ độc nặng, nguy kịch, đi tàu, xe 3 ngày mới ra đến Hà Nội, nhìn thấy cháu đang hôn mê bất tỉnh. Ngày thứ 6, cháu tỉnh lại nhưng không biết bố là ai. Ông nói rằng T vốn ngoan ngoãn, tháo vát, không bao giờ tụ tập chơi bời; gia đình không rõ T xài MT đá từ bao giờ và vì sao lại “dính” đến loại MT này!?

Ca thứ hai là anh Nguyễn Văn T, 41 tuổi, dùng “đá” đã 4 năm, từ Hải Dương chuyển lên. Gia đình cho biết, tối 5.1, bệnh nhân đi chơi về, khóa trái cửa phòng... Sáng hôm sau gọi mãi không được, gia đình phá khóa, phát hiện nạn nhân vật vã, môi tím tái. Khi đến BV tỉnh đã ngừng tim, BV phải ép tim ngoài lồng ngực tim mới đập trở lại và chuyển thẳng BV Bạch Mai trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp tim, suy thận, rối loạn đông máu. Ở BV Bạch Mai, bệnh nhân lại có cơn ngừng tim nhưng đã được hồi sức kịp thời, hồi phục nhịp đập. Chụp mạch vành tim phát hiện 3 vị trí nhồi máu cơ tim (tắc) và được can thiệp ngay. BS Nguyên còn cho biết, thời gian qua tại Trung tâm đã có 2 ca tử vong vì ngộ độc MT đá cấp tính và ở các BV khác cũng thông báo tình trạng ngộ độc MT đá gia tăng. Trước đây, hầu như tháng nào Trung tâm cũng tiếp nhận người ngộ độc Heroin (thuộc nhóm Phiện hay Á phiện), nhưng khoảng 10 năm nay ngộ độc MT đá, lá Khat, cần sa, MT gây ảo giác (LSD hay axit Lysergic) nhiều hẳn lên. Ngộ độc chủ yếu là người trẻ, có cả học sinh, sinh viên.

Nhận dạng ma túy “đá”

MT “đá” đúng ra chỉ là chất Meth Amphetamine (có thể trộn thêm ít Amphetamine cổ điển hoặc Niketamid - thuốc kích thích hành não, tăng cường tuần hoàn, hô hấp) thuộc nhóm MT tổng hợp (điều chế trong phòng thí nghiệm) Amphetamine, vì ở dạng kết tinh (ice) nên gọi là “hàng đá”. “Dân” ma túy thường gọi lóng, chẳng hạn thuốc “lắc” chính là MDMA (Methylene Dioxyl Meth Amphetamine), ngoài “lắc” còn nhiều tên như Adam, thuốc điên, chúa, hoàng hậu, max, xì ke (SK), mecsydes, ecstasy, kẹo... Xuất phát của những tên lóng này từ dạng chất (tinh thể, bột, viên nén, dung dịch...) hay tác dụng, màu sắc, chữ hay hình rập trên viên thuốc... Chẳng hạn Meth Amphetamine còn có tên Hồng phiến vì viên thuốc có màu hồng (tuy loại này có cả viên nén màu trắng, xanh, vàng). Amphetamine là một trong 6 nhóm MT bất hợp pháp, gồm nhiều chất có cấu trúc hóa học tương tự nhau, điều chế từ chất Amphetamine đầu tiên tổng hợp được từ năm 1887, đều có tác dụng kích thích thần kinh, tâm thần. Vì thế MT “đá” không phải là tên gọi đầy đủ cho cả nhóm này. Amphetamine có thể uống, hút, hít hay tiêm ven và đang là vấn nạn toàn thế giới.

Từ năm 1932, các thuốc Amphetamine được dùng để chữa hen phế quản, sổ mũi; năm 1937: Chữa chứng ngủ rũ, béo phì, bệnh Parkinson sau viêm não, chứng trầm cảm hay ngộ độc thuốc ngủ, thuốc an thần kinh; quá hiếu động và thiếu khả năng tập trung (bệnh ADHD). Nó nhanh chóng trở thành MT vì gây cảm giác hưng phấn, khỏe khoắn, mạnh mẽ; ân cần chăm sóc mọi người, thích giao tiếp, trò chuyện; không còn cảm giác đói và thiếu ngủ; tăng tỉnh táo và nghị lực; tăng nhu cầu tình dục; lo âu, hoảng hốt; quá hiếu động, khó ngủ; đa nghi, cáu kỉnh, hằn học, hung hãn; liều lĩnh hơn bình thường... Do làm tỉnh táo và thấy cường tráng nên được ưa dùng trong giới văn phòng, sinh viên, binh lính, lái xe đường dài, công nhân ca đêm, vận động viên thể dục, thể thao.v.v. Liều thấp, ngoài những tác dụng kể trên Amphetamine làm tăng nhịp tim, nhịp thở, tăng huyết áp và thân nhiệt, khô miệng, ra mồ hôi nhiều hơn, giãn đồng tử, tiêu chảy, ăn kém ngon. Liều cao, làm vã mồ hôi; đau đầu, chóng mặt; da tái; đau bụng; run rẩy; nhịp tim và thở không đều; trở nên lắm lời; mất ngủ; mất khả năng suy xét (nhận xét, đánh giá sai lệch); nghi ngờ; dễ bị kích động, hung bạo, dễ gây hấn; liều lĩnh hơn nên thường phóng xe tốc độ cao, lạng lách; quan hệ tình dục bừa bãi hoặc xâm hại tình dục hay giết người; khô miệng; đồng tử giãn; nôn ói; ớn lạnh. Lâu dài, Amphetamine làm thay đổi tâm tính: Bồn chồn hoặc cảm giác khó chịu, hung bạo hay hoảng loạn, buồn bã hay trầm cảm; dễ có ý tưởng và hành vi tự sát. Người nghiện Amphetamin sẽ loạn thần với các ảo thị sinh động, nhiều màu sắc hoặc ảo thanh; thường có hoang tưởng liên hệ (ví dụ: Thấy một cái hố, nghĩ hố tượng trưng cho huyệt và cho rằng đó là điềm báo mình sắp chết) hoặc hoang tưởng bị truy hại có thể dẫn đến hành vi giết người; có khi là hoang tưởng bị kiểm tra, bị cài đặt, bị bộc lộ (mình nghĩ gì, sắp nói gì thì “người ngoài” đã biết). Khi nghiện, dừng thuốc đột ngột hoặc nồng độ chất trong máu giảm thấp sẽ xuất hiện hội chứng cai: Mệt mỏi, ủ rũ; cảm thấy đói; lo lắng, bồn chồn; khó chịu, gây gổ; trầm cảm nặng; tức giận, dễ nổi cáu; ngủ nhiều nhưng không ngon giấc, mê sảng; thèm thuốc mãnh liệt. Các Amphetamine cũng dẫn đến lây nhiễm khuẩn sinh dục; lây nhiễm HIV, HPV (virus gây u nhú), virus viêm gan B, C... Các chất này qua nhau thai và có trong sữa mẹ nên khoảng phân nửa số bé của các mẹ dùng nó khi mang thai có hội chứng cai sơ sinh. Amphetamin gây vô sinh vì làm suy giảm lượng Testosteron, tinh trùng ít và yếu...

Những loại Amphetamine nguy hiểm nhất

Chỉ có một số chất trong nhóm Amphetamine được “khai thác” tính năng MT trong những thời kỳ nhất định. Chẳng hạn, Adam được hãng dược Merck (Đức) bào chế từ năm 1914, dùng để chống mệt mỏi cho binh lính Đức. Năm 1950, Mỹ thử nghiệm thuốc này trên động vật và người nhằm chế tạo vũ khí hóa học. Sau đó, giới ăn chơi ở Mỹ rồi châu Âu ưa chuộng thuốc này và đến những năm 1970 của TK XX lan ra toàn thế giới, năm 1980, bị thế giới cấm. Năm 1893, nhà khoa học Nhật Bản, Nagai Nagayoshi tổng hợp được Methamphetamine; những năm 1950 và 1960 thuốc này được kê toa rộng rãi để chữa bệnh và cũng là loại MT được giới “áo trắng” ưa chuộng, rồi giảm bớt do bị cấm vào năm 1980. Gần đây, “dân “ MT lại dùng nhiều khi điều chế được dạng tinh thể hút được. Ngộ độc chất này tử vong đến 60%. Ở Việt Nam nó có tên “hàng đá”, “đập đá”, “pha lê”.

“Bột gà” hay “Mitsubishi” (Para Methoxy Meth Amphetamine - PMMA) được điều chế năm 1973 ở Canada, làm tổn hại tế bào thần kinh khiến thay đổi nhận thức, suy nghĩ, cảm xúc; nôn mửa; suy tim, thận; ảo giác; sốt cao bất thường (đến 46°C), dẫn đến co giật, hôn mê, ngừng hoàn toàn các chức năng sống và tử vong. Dùng một vài lần cũng có thể mất trí nhớ hoàn toàn và đứa trẻ sinh ra cũng mất trí nhớ, suy yếu sức đề kháng và dị tật bẩm sinh. Loại này gây các triệu chứng giống thuốc “lắc” (ít độc hơn PMMA) nên dễ nhầm lẫn hoặc tội phạm dùng nó để làm giả thuốc “lắc” và nhiều người đã chết. Chẳng hạn, một cô gái 18 tuổi ở Chicago, Mỹ, co giật, hôn mê sau vài giờ uống, thân nhiệt 42°C, thổ huyết đường miệng, chảy máu nội tạng, tử vong ngày hôm sau. Khám nghiệm tử thi xác định quá liều PMMA. PMMA gây tử vong nhiều ở Bắc Mỹ, châu Âu và Australia nên các nước này cấm sử dụng và trào lưu dùng PMMA tạm lắng. Những năm đầu TK XXI, bóng ma PMMA trở lại Bắc Mỹ (Canada và Mỹ) và châu Âu (chủ yếu ở Áo, Đan Mạch, Na Uy và Đức). Ở Na Uy, từ tháng 7.2010 đến tháng 1.2011 có 12 ca chết do trúng độc PMMA và 22 trường hợp thoát chết. Năm 2011, Canada có 8 ca tử vong PMMA/18 ca ngộ độc. Tháng 3 và 4.2012, cơ quan chức năng ở TPHCM và Hà Nội thông báo về dạng MT viên nén tròn chứa PMMA.

Các chất Amphetamine hầu hết có trong danh mục kiểm soát (cấm) MT quốc tế. Từ sau năm 1973 đến nay không tổng hợp được thêm chất Amphetamine nào, nên có người gọi nó là loại MT mới thì không đúng. Cho đến nay chưa có thuốc cai nghiện Amphetamine.

BS Bình Nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bao-dong-gia-tang-ngo-doc-ma-tuy-tong-hop-589932.ldo