'Báo động đỏ' nghề khai thác thủy sản (bài 3)

Nghề câu cá ngừ đại dương ở Nam Trung bộ có 'tuổi đời' trên 30 năm, nay có nguy cơ bên bờ 'vực thẳm', trước tình cảnh tàu đi đánh bắt liên tục bị thua lỗ nặng nề. Làm cách nào để cứu nghề này, là vấn đề cấp bách của người dân và chính quyền 4 tỉnh (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) khi bài học 300 chiếc tàu câu mực khơi của thành phố Đà Nẵng bị xóa sổ 100% vẫn còn nguyên giá trị.

Ngư dân chỉ câu được những con cá ngừ đại dương nhỏ, vì biển đã cạn kiệt.Ảnh: Hải Luận

Ngư dân chỉ câu được những con cá ngừ đại dương nhỏ, vì biển đã cạn kiệt.Ảnh: Hải Luận

Bài 3: Khốn đốn nghề câu cá ngừ

“Tàu tui đi câu nằm ở ngoài biển xa gần “ba trăng” mà làm được 3 con cá bò gù (cá ngừ) loại nhỏ, lỗ gần 100 triệu tiền tổn. Suốt ba năm nay, nghề câu bò gù gặp nhiều khó khăn, năm 2020, nghề này bi đát vô cùng, nhiều ông chủ rao bán tàu mấy tháng nay mà không có ai mua. Biết lỗ cũng “cắn răng” cho tàu đi biển tiếp” - Chủ tàu Trần Bông, ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tâm sự với tôi, giọng đầy buồn bã.

“Đói toàn tập”

“Tại sao đi biển bị thua lỗ nhiều mà vẫn cứ cố đi?” - Tôi đặt câu hỏi với ông Bông. Như đụng đến tâm can sâu thẳm của vị thuyền trưởng đã làm nghề câu cá ngừ từ những ngày đầu, ông nói: “Có mấy lý do buộc tàu phải ra khơi: Thứ nhất, Nhà nước đang có chủ trương hỗ trợ tiền dầu cho tàu đánh cá xa bờ. Thứ hai, ngư dân luôn “nuôi” hy vọng sẽ đến ngày tàu mình đánh trúng đàn cá lớn. Thứ ba, nếu để tàu nằm bờ lâu ngày, nắng mưa sẽ làm nhanh hư hỏng tàu”.

Ông Huỳnh Cư, ở phường 6, thành phố Tuy Hòa là người chinh chiến với nghề câu cá ngừ từ những ngày đang câu giàn (hiện nay dùng bằng ánh sáng dẫn dụ) có 3 chiếc tàu, làm ăn khó khăn thì bán đi 2 chiếc, còn 1 chiếc tàu đang cầm cự. “Tui muốn giải nghệ lắm rồi, kêu bán tàu mà không ai mua. Chú nhìn cả bờ sông Đà Rằng, tàu nằm xếp lớp, đa số “đói” toàn tập”.

- Nghe nói tàu câu cá ngừ ra ngoài biển làm “cò” (thả neo dù nước, tàu ở lâu ngày giữa biển, cá đến cư ngụ) cho tàu lưới vây khơi kiếm ăn ngon quá mà? - tôi hỏi.

- Có đó, đi 100 tàu ra khơi, chỉ có vài chiếc may mắn thấy được đàn cá, rồi gọi tàu lưới vây đến đánh ăn chia, theo tỉ lệ 7 - 3 (tàu lưới vây 7, tàu cá ngừ 3). Ngư dân ai cũng cứ nhìn chằm chằm vào những chiếc tàu trúng, các tàu khác ở bên cạnh luôn đặt “niềm tin và hy vọng” tàu mình sẽ trúng tiếp theo. Cứ như vậy, mà cố bám trụ ngoài biển, đến lúc nào hết gạo, hết dầu mới chạy vào bờ.

Thông thường, mỗi chuyển đi biển của tàu câu cá ngừ đại dương khoảng 17 - 24 ngày, do bị thua lỗ quá nặng nề, nhiều thuyền trưởng cho tàu ở lại “xuyên trăng” để giảm chi phí tối đa nhất. Trường hợp hết dầu, ghé vào các đảo của huyện Trường Sa mua dầu, nước đá, gọi điện về nhà chuyển khoản ngân hàng trả tiền dầu ngoài đảo.

“Căn cứ” tàu câu cá ngừ bị tê liệt

Thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định được xem là “căn cứ” tàu câu cá ngừ đại dương lớn nhất Việt Nam, với 1.377 tàu đang nằm án binh bất động dày đặc ở cửa sông Tam Quan. “Năm 2018, sản lượng khai thác cá ngừ đã giảm rồi, năm 2019, sản lượng giảm sâu thêm nữa. Năm 2020, cả sản lượng đánh bắt và giá bán cá “rớt” thê thảm, nó đã đánh gục bao nhiêu chủ tàu và thuyền trưởng từng tung hoành khắp nơi. Đi đâu cũng thấy người ta kêu bán tàu. Chẳng ai dám bỏ tiền ra để ôm “cục lỗ” lúc này?” - Chủ tàu đồng thời là thuyền trưởng Lê Văn Phê, xã Tam Quan Bắc “lý luận” sự thua lỗ.

Ngày trước chiếc tàu câu nào to lớn được xem là “uy lực” của biển cả, do “biển đói”, tàu to trở thành gánh nặng tiền tổn phí. Thuyền trưởng Phê giãi bày: “Tàu có công suất máy nhỏ chỉ cần 70 triệu tiền tổn là được, ra biển làm dễ thu lại tổn, nếu có lỗ cũng nhẹ gánh hơn. Còn tàu to công suất máy từ 300CV trở lên, coi như nó “giết” ông chủ “không gươm không đao”, sắm chuyến tổn lên đến 150 - 200 triệu. Muốn kéo lại đủ tổn, phải câu được 2 tấn, tương đương 50 con cá ngừ. Hiện giờ kiếm được 10 - 20 con cá đã mừng run rồi, đào đâu ra 2 tấn lúc này. Tàu lớn đã “đứng bánh” hết rồi”.

Tàu câu cá ngừ đại dương đang nằm xếp lớp tại cửa sông Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Hải Luận

- Thua lỗ như vậy, tại sao mình không chuyển đổi sang nghề khác làm? - tôi hỏi.

- Tưởng chuyển sang nghề mới mà dễ à? Phải mất ít nhất 500 triệu đến 1 tỉ đồng, nhìn sang nghề mành chụp cũng chẳng hơn gì nghề câu cá ngừ. Chỉ có mấy ông lưới vây khơi xa làm còn có ăn, nhưng phải những ông thật sự có máu mặt, đủ tiềm lực “nuôi” được tàu “cò” trọn gói, hiệp đồng từ 2 - 4 chiếc cùng đi thành nhóm bạn chí cốt, mới có lãi khá. Còn ra biển làm lưới vây mà theo kiểu “đơn phương độc mã” cũng nắm chắc lỗ nặng.

Nhằm cứu vãn tình thế, một số tàu câu cá ngừ đại dương trở thành “tàu đa nghề”, vừa làm tàu “cò” cho lưới vây, vừa sắm thêm lưới đánh cá chuồn, cần câu mực, lưới vây. Coi như “đụng” đâu làm đó, trời thương kiếm đủ tiền tổn, nếu có bị lỗ cũng ít hơn. “Bạn đi biển ăn chia lợi nhuận với chủ tàu, tàu đánh bắt bị lỗ coi như bạn không được chia đồng nào. Bạn chịu khó ngồi câu mực để riêng, mỗi chuyến biển kiếm thêm 3 - 5 triệu đồng, nhờ khoản tiền này, bạn và chủ tàu còn cầm cự, gắn bó với nhau. Nếu không có tiền câu mực cứu vãn, chẳng có ông bạn nào đi biển, tàu nằm bờ 100%” - Thuyền trưởng Phê tâm sự.

Nghề câu cá ngừ đại dương ở tỉnh Khánh Hòa và Quảng Ngãi cũng có “hoàn cảnh” giống như Bình Định và Phú Yên, chưa tìm ra lối thoát.

Bài 4: Nợ “bủa vây” tứ phía chủ tàu cá

Hải luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-dong-do-nghe-khai-thac-thuy-san-bai-3-post439379.html