Báo động chất lượng nguồn nước hồ Yên Lập

Là hồ chứa nước ngọt lớn nhất của Quảng Ninh, cung cấp toàn bộ nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân khu vực Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long và một số vùng lân cận, thế nhưng chất lượng nước của Hồ Yên Lập đang bị suy giảm và ô nhiễm chất hữu cơ khá cao.

Hồ Yên Lập hiện đang là hồ chứa nước ngọt lớn nhất của tỉnh.

Hồ Yên Lập hiện đang là hồ chứa nước ngọt lớn nhất của tỉnh.

Hồ chứa nước Yên Lập có tổng dung tích 128 triệu m3 và giữ nhiệm vụ hết sức quan trọng trong việc cấp nước tưới tiêu cho 8.320ha đất canh tác nông nghiệp; cung cấp nước ngọt cho 1.500ha nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp với công suất 33,5 triệu m3/năm.

Theo kết quả báo cáo quan trắc môi trường tỉnh từ năm 2016-2019 cho thấy, về cơ bản các thông số môi trường đều nằm trong quy chuẩn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Tuy nhiên, vẫn còn một vài thông số bị vượt quy chuẩn cho phép.

Cụ thể, tại kết quả quan trắc môi trường quý IV/2016, hàm lượng COD vượt 1,12 lần, hàm lượng NH4+ vượt 2,05 lần; các quý I, II, IV/2016, hàm lượng BOD5 vượt 1,05-1,12 lần; trong quý I và II/2017, hàm lượng NH4+ vượt 2,04-2,09 lần; tiếp đó quý IV/2018, hàm lượng TSS là 35,6mg/l (vượt 1,2 lần); quý II/2018, hàm lượng NH4+ vượt 1,1 lần; quý II/2019, hàm lượng COD vượt 1,25 lần. Điều này cho thấy chất lượng nước hồ Yên Lập đang có dấu hiệu bị ô nhiễm chất hữu cơ.

Ban quan lý rừng phòng hộ Yên Lập kiểm tra khu vực lòng hồ Yên Lập.

Đánh giá của Sở TN&MT cho thấy, hiện có 4 nguồn chính tác động trực tiếp đến chất lượng nước hồ Yên Lập trong thời gian qua. Trong đó đặc biệt kể đến hoạt động khai thác than hầm lò.

Còn nhớ năm 2014, tại Hội thảo khoa học về bảo vệ nguồn nước hồ Yên Lập do Sở NN&PTNT tổ chức, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Phát triển cộng đồng (ECD) - một tổ chức phi Chính phủ thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực sinh thái, môi trường và phát triển cộng đồng đã từng đề xuất việc dừng hoạt động khai thác than trong khu vực này do nhận thấy ô nhiễm từ hoạt động khai thác than hầm lò quá lớn.

Tuy nhiên cho đến nay vẫn đang có tới 4 điểm mỏ của 3 công ty đang khai thác trong khu vực lòng hồ. Cụ thể là dự án khai thác mỏ của Công ty Than Đồng Vông; dự án khai thác mỏ Tân Dân của Xí nghiệp Than Hoành Bồ; dự án khai thác mỏ Quảng La và dự án khai thác than khu mỏ dân chủ thuộc Công ty TNHH MTV Thăng Long. Trong quá trình khai thác các dự án đã làm phát sinh nước thải mỏ, chất thải rắn, gây sạt lở đất, giảm độ che phủ của thảm thực vật, dẫn đến hàm lượng chất thải rắn lơ lửng, độ đục tăng cao.

Cùng với đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân được giao đất, giao rừng để trồng cây ăn quả ngắn ngày và sinh sống xung quanh hồ cũng làm ô nhiễm nguồn nước. Các hộ dân này thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu cho cây ăn quả, khiến cho lượng hóa chất dư thừa bị nước mưa chảy tràn bề mặt, cuốn xuống hồ.

Nhiều hộ dân kinh doanh tự phát vào mùa lễ hội cũng đã làm phát sinh không nhỏ các chất thải sinh hoạt xuống lòng hồ. Đồng thời, trong quá trình vận chuyển khách đi lễ hội chùa Lôi Âm trong lòng hồ, các tàu thuyền có thể bị rò rỉ xăng dầu, nước la canh, tràn dầu, nhiều du khách không có ý thức đã vứt rác bừa bãi xuống hồ.

Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập kiểm tra khu vực thượng nguồn hồ Yên Lập và các nguồn nước suối chảy vào hồ.

Trước thực trạng trên, hiện Sở TN&MT đang xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp với các địa phương có liên quan, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trong khu vực thượng nguồn hồ Yên Lập.

Đồng thời, hướng dẫn Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập lắp đặt hệ thống quan trắc nước mặt và nước ngầm tự động và yêu cầu Công ty CP Đầu tư Nguyên Tân phối hợp chặt chẽ với các hộ dân có phương tiện vận chuyển khách trên lòng hồ Yên Lập phải có giải pháp điều tiết phương tiện thủy hợp lý cũng như các giải pháp để thu gom triệt để các chất thải phát sinh.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập (đơn vị quản lý, vận hành, khai thác hồ Yên Lập), cho biết: Để đảm bảo tuyệt đối chất lượng nguồn nước, cùng với những giải pháp trên, việc vận chuyển khách trên lòng hồ Yên Lập từ bến Đá Gân sang bến chùa Lôi Âm cần phải giảm dần phương tiện hết niên hạn hoặc loại bỏ phương tiện không đảm bảo chất lượng và chấm dứt toàn bộ hoạt động của các phương tiện này nếu vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải nghiêm cấm du khách mang đồ nhựa một lần khi lên xuống các phương tiện hoạt động trong chùa; lắp đặt camera giám sát tại khu vực bến, khu vực thu gom chất thải; cân nhắc việc giao đất rừng cho các hộ dân sản xuất và cho thu hồi đất rừng để làm rừng phòng hộ cho hồ Yên Lập

Hoàng Nga

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202003/bao-dong-chat-luong-nguon-nuoc-ho-yen-lap-2474219/