Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán

Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu về mua sắm, tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Ngoài nỗi lo về giá cả thì người dân còn phải đối mặt với nỗi lo về an toàn thực phẩm khi tình trạng vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp…

Thực phẩm kém chất lượng tràn lan thị trường

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, năm 2018, Bộ Y tế và 63 tỉnh, thành phố đã xử phạt vi phạm hành chính gần 89 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2017 (năm 2017, tổng số tiền phạt là hơn 63 tỷ). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 68.746 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn nông nghiệp nông, lâm, thủy sản, phát hiện 4.909 cơ sở vi phạm và xử phạt 38,44 tỷ đồng. Những con số trên cho thấy vi phạm về ATTP vẫn là vấn đề đáng báo động.

Người dân lựa chọn hàng Tết tại siêu thị Vinmart Thăng Long.

Đặc biệt, trong những ngày gần đây, việc lực lượng chức năng liên tục phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm "bẩn" càng khiến cho nhiều người dân lo lắng về công tác bảo đảm vệ sinh ATTP khi dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang cận kề. Tình trạng thực phẩm thiếu an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán tràn lan trên thị trường thời điểm cận Tết khiến cho người dân không khỏi hoang mang.

Theo khảo sát của chúng tôi, những ngày gần Tết, tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các làng nghề trên địa bàn Hà Nội, các mặt hàng thực phẩm được bày bán khá phong phú, đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm an toàn về chất lượng, đầy đủ các thông tin như thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ… cũng có không ít các loại hàng hóa, bánh, mứt kẹo được nhập khẩu tràn lan, không rõ nguồn gốc, khiến người tiêu dùng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn. Các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo tại làng nghề truyền thống như Xuân Đỉnh, La Phù, Dương Liễu... cũng đang khẩn trương bước vào vụ sản xuất để kịp cung cấp hàng cho dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Tại một số chợ bán buôn như: Đồng Xuân, hàng Buồm, làng nghề La Phù, Thổ Tang… các loại bánh kẹo, mứt, ô mai được đóng trong các bao nilon hoặc bao tải được bày bán công khai theo cân, lạng… Bên cạnh đó, các sản phẩm giò, chả, thịt lợn, gà, xúc xích hun khói... được sản xuất theo hình thức thủ công nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không bảo đảm nên chất lượng rất khó được kiểm soát chặt chẽ.

Chị Nguyễn Thị Bích (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mặc dù còn 3 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng hàng hóa hiện nay được bày bán rất đa dạng và phong phú, nhưng lựa chọn lại rất khó. Do đó, chị chỉ lựa chọn những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Cùng suy nghĩ với chị Bích, chị Đỗ Thị Thanh Huyền (Nguyên Khê, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, chị lựa chọn mua thực phẩm Tết từ các cơ sở có đầy đủ nhãn mác, hạn sử dụng cũng như bảo đảm về an toàn thực phẩm.

Nhiều loại thực phẩm tươi sống không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được bày bán tràn lan trên thị trường.

Còn chị Lê Thị Thu (Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội): Để bảo đảm bữa ăn an toàn trong dịp Tết, thì người tiêu dùng cũng cần trang bị những kiến thức an toàn thực phẩm để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và gia đình. Cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà sản xuất, phân phối, nhất là đối với bánh kẹo nhập khẩu. Hãy tìm mua từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó, đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, cần thực hiện các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh; các quy định về áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch; các quy định về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, lưu hành sản phẩm, quảng cáo sản phẩm thực phẩm; quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về sinh ATTP, quy định về khám sức khỏe cho người trực tiếp chế biến thực phẩm, xác nhận kiến thức vệ sinh ATTP…

Cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt

Thời điểm cuối năm, không khí mua sắm trên thị trường đã sôi động hơn trước. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu giới thiệu các sản phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đến người tiêu dùng. Vì vậy, nguy cơ thực phẩm mất an toàn của các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” rất lớn. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên cũng không loại trừ được các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không an toàn. Mặt khác, nguy cơ tiềm ẩn mất ATTP ở ngay chính người tiêu dùng khi ý thức của một số người dân về vệ sinh ATTP chưa đầy đủ, vẫn còn chủ quan trong việc lựa chọn thực phẩm.

Các loại bánh kẹo Tết được bày bán phong phú trên thị trường.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, các đoàn thanh tra, kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được người dân sử dụng nhiều như: Bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát; thịt cá, trứng, sữa, các loại trái cây và các dịch vụ ăn uống khác, nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP; phát hiện và cảnh báo các mối nguy về ATTP; cương quyết xử lý nghiêm các cơ sở thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm ATTP. Cùng với đó, các địa phương thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh, thành phố đến quận, huyện, xã, phường. Việc kiểm tra được triển khai trước, trong, sau Tết và lễ hội, tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương.

Còn theo ông Trần Văn Chung, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhằm đảm bảo công tác ATTP dịp Tết Nguyên đán 2019, ngay từ đầu năm 2018, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã lập 2 đoàn thanh tra, kiểm tra 135 cơ sở, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn toàn thành phố, qua đó xử phạt hơn 150 triệu đồng do nhiều lỗi vi phạm. Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Y tế Hà Nội đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, triển khai 2 hoạt động ATTP thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2018 theo chỉ đạo của Trung ương…

Đặc biệt, nhằm lưu ý người dân về các vấn đề liên quan đến ngộ độc rượu, rượu cồn công nghiệp ethanol vì nhu cầu sử dụng rượu dịp cuối năm tăng đột biến, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trên địa bàn thành phố nắm chắc diễn biến thị trường, điều tra cơ bản và thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở chuyên kinh doanh rượu, các cơ sở dịch vụ ăn uống có kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng… Đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra, tái kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã bị xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn.

Trong bối cảnh thực phẩm chưa rõ nguồn gốc dịp cận Tết đang có xu hướng diễn biến phức tạp, thiết nghĩ, các lực lượng chức năng, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết không để các sản phẩm không bảo đảm chất lượng trà trộn trên thị trường; đồng thời, thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu chủ cơ sở phải tuân thủ các quy định như nhãn mác rõ ràng, kiểm nghiệm sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm…

Bài và ảnh: THÁI SƠN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/bao-dam-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-trong-dip-tet-nguyen-dan-560243