Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp cuối năm

Hiện nay, các địa phương trong cả nước đang ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông cao điểm dịp cuối năm. Ngoài công tác tuyên truyền được đổi mới cả nội dung lẫn hình thức, lực lượng chức năng đã áp dụng các chế tài xử phạt nặng lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng hiệu quả chưa cao, chưa hạn chế được các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra.

 Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội ra quân bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán 2023. (Ảnh: nhandan.vn)

Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội ra quân bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán 2023. (Ảnh: nhandan.vn)

Mới đây, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N. H. A., sinh năm 1981, trú tại phường Cửa Ðại, thành phố Hội An (Quảng Nam), với số tiền bị phạt 63 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng, do không đi đúng làn đường quy định gây tai nạn giao thông; gây tai nạn giao thông không dừng lại; điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn cao.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà T. T. L., sinh năm 1984, trú tại thị trấn Ðắk Ðoa (Gia Lai) 46 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng về hành vi điều khiển xe ô-tô lùi xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông; điều khiển xe ô-tô trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn cao. Cục Cảnh sát Giao thông phạt một lái xe ô-tô tải 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe sáu tháng, vì đã có hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc...

Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao.

Những năm qua, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên cả nước diễn ra phức tạp; số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương hằng năm vẫn còn ở mức cao.

Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Các lỗi vi phạm chủ yếu là do đi không đúng phần đường; tránh, vượt sai quy định; vi phạm tốc độ; điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia, ma túy và các chất kích thích khác… Công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở một số địa phương chưa hiệu quả. Mật độ phương tiện giao thông tăng nhanh trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, ban an toàn giao thông các cấp chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông… Nhiều trường hợp lái xe vi phạm trật tự, an toàn giao thông bị lực lượng chức năng xử lý đã gọi nhờ lãnh đạo các cơ quan chức năng, địa phương can thiệp xin không xử phạt, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, giữ xe… gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Ðể hạn chế các vụ tai nạn giao thông, các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị phải đi đầu, gương mẫu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình và nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Theo đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là việc tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm, xem đây là biện pháp hữu hiệu nhất để tạo thói quen cho người tham gia giao thông chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, gây tai nạn giao thông phải tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm cá nhân.

Nghiêm cấm người đứng đầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng. Từng bước xây dựng, hiện đại hóa hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự, kết hợp xử phạt về vi phạm an toàn giao thông, nhất là các tuyến đường trọng điểm ở các địa phương. Chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng; kịp thời truy tố, xét xử công khai một số vụ tai nạn giao thông điển hình để tuyên truyền cảnh báo, phòng ngừa chung.

Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông; làm tốt công tác kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện đường bộ, đường sắt và đường thủy. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong công tác kiểm định và sát hạch cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông. Tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các bước đột phá trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm có khả năng điều tiết lưu lượng tham gia giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông, nhất là trong dịp cuối năm...

NGUYỄN VĂN HAI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-dip-cuoi-nam-post727316.html