Bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân mùa nắng nóng

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, nhiệt độ trung bình toàn quốc năm nay có xu hướng cao hơn nhiệt độ trung bình một vài năm gần đây.

Hệ thống quạt trần tại Bệnh viện Nhi góp phần chống nắng, nóng cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Trong thời gian tới, các tỉnh Bắc Trung bộ có thể xuất hiện nắng nóng cục bộ và nhiệt độ dần tăng cao trên diện rộng, nền nhiệt cao nhất có nơi trên 38 độ C, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân. Trước tình hình đó, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác khám, chữa bệnh (KCB), phòng tránh tác hại nắng nóng trong mùa hè, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân.

Bệnh viện Nhi Thanh Hóa mỗi ngày tiếp đón và điều trị cho khoảng hơn 900 bệnh nhi, với các bệnh lý chủ yếu về đường hô hấp, tiêu hóa, sởi, thủy đậu, ho gà, chân tay miệng... Do bệnh nhân tăng cao nên để bảo đảm chủ động trong công tác KCB, bệnh viện đã kê thêm giường bệnh để hạn chế tình trạng bệnh nhi phải nằm ghép giường. Bệnh viện cũng tăng cường số lượng bác sĩ, y tá ở các kíp trực hồi sức cấp cứu, khám bệnh, hô hấp; bố trí nhân viên trực 24/24h để kịp thời trả lời các thắc mắc, tư vấn cho người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện cũng trang bị thêm hệ thống quạt điện, ghế ngồi tại các khoa, khu vực khám và khu vực chờ để phục vụ bệnh nhi và người nhà bệnh nhi...

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Vân, Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết: Trong những ngày thời tiết nắng nóng cao điểm, tại khoa hệ thống quạt trần luôn hoạt động 24/24h; điều hòa được bật vào một số khung giờ để làm giảm bớt hơi nóng và phù hợp với tình trạng bệnh của các bé. Ngoài ra, các y, bác sĩ cũng tăng cường hướng dẫn và khuyến cáo bậc cha mẹ về chăm sóc trẻ đúng cách như: Chế độ ăn, uống, mặc... Mặt khác, triển khai các biện pháp bảo đảm cho bệnh nhân không phải nằm ghép, tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây.

Chị Hoàng Thị Phượng (huyện Tĩnh Gia) cho biết: Thời tiết nắng nóng, con tôi bị sốt cao nên tôi đưa cháu lên viện để khám. Được các bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt vi-rút và cần phải nằm viện điều trị. Khoa đã cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điều hòa, quạt mát. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh cũng sạch sẽ, góp phần tạo cảm giác dễ chịu cho người bệnh và người nhà bệnh nhân, xua tan những bức xúc, mệt mỏi khi thời tiết nóng nực, oi bức.

Không chỉ riêng tại Bệnh viện Nhi, để đáp ứng kịp thời nhu cầu KCB và phòng tránh tác hại của nắng nóng đến sức khỏe người dân, các cơ sở KCB trên địa bàn toàn tỉnh đã duy trì thực hiện tốt quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện; tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh trong điều kiện thời tiết nóng bức; bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung lắp đặt thiết bị chống nóng như mành, rèm chắn nắng, hệ thống điều hòa nhiệt độ, quạt điện... bảo đảm thoáng mát cho bệnh nhân khi đến KCB.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân, trong những ngày này số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị không tăng cao. Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, để bảo đảm cho người bệnh đến KCB được tốt, ngoài việc chủ động bảo đảm nguồn điện, nước cho việc KCB, bệnh viện đã lắp thêm các quạt có công suất lớn tại khu vực phòng chờ, khu vực khám bệnh để phục vụ bệnh nhân. Riêng đối với các phòng dược thì trung tâm đã trang bị máy điều hòa để bảo đảm nhiệt độ trong phòng theo đúng quy định nhằm tránh hư hỏng thuốc.

Bác sĩ Phùng Sỹ Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân chia sẻ: Ngay từ đầu mùa hè, bệnh viện đã kiểm tra và đôn đốc các khoa phòng trong việc chống nóng cho bệnh nhân. Bệnh viện đã lắp thêm điều hòa, quạt trần, quạt treo tường tại các buồng bệnh, hành lang. Tại các vị trí đông người như trước cửa phòng khám, vị trí chờ khám, chờ kết quả... bệnh viện có bố trí thêm quạt công nghiệp công suất lớn. Khi bệnh nhân vào khoa, phòng bảo đảm phòng sạch sẽ, thoáng mát, rút ngắn thời gian điều trị.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hữu Uyển, Trưởng Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết: Để đáp ứng kịp thời nhu cầu KCB và phòng tránh tác hại của thời tiết nắng nóng kéo dài đến sức khỏe cho người dân, ngành y tế tiếp tục duy trì thực hiện tốt Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22-4-2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của các đơn vị y tế; thực hiện tốt nội dung “Hướng đến người bệnh” như bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; bố trí đầy đủ bàn khám; sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý, tổ chức đón tiếp, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi cho người bệnh; hạn chế không để tình trạng nằm ghép; tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng tránh lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện; bố trí đủ thuốc cấp cứu, giường bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để điều trị, xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp và bệnh truyền nhiễm do thời tiết nắng nóng gây ra. Ngoài công tác KCB, ngành chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe thông qua nhiều hình thức khác nhau để tuyên truyền, giáo dục nhân dân biết cách phòng, chống nắng nóng và các bệnh liên quan đến mùa hè, nắng nóng gây ra đặc biệt người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai...

Các chuyên gia y tế cho biết, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu. Đặc biệt là người già mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch; phụ nữ mang thai; trẻ em có thể bị sốt cao, co giật; công nhân, nông dân lao động ngoài trời dễ bị say nóng, say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước, ngất, kiệt sức... Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, người dân hạn chế ra đường khi ngoài trời nắng nóng gay gắt, nếu ra đường thì cần phải đội mũ, mặc quần áo dài, đeo kính, khẩu trang chống nóng; uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, không để quạt thổi trực tiếp gần người để phòng bệnh đường hô hấp. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng; tăng cường vệ sinh cá nhân sạch sẽ... Đối với trẻ nhỏ, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc-xin phòng bệnh. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu viêm mũi, viêm họng, chảy nước mũi, cần đưa đến các cơ sở y tế để được KCB kịp thời, phòng tránh biến chứng xảy ra.

Hà Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/bao-dam-tot-cac-dieu-kien-cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan-mua-nang-nong/102517.htm