Bảo đảm tiến độ và chất lượng văn bản luật

Ngày 15-8-2018 là thời hạn 'chốt' mà các bộ và cơ quan quản lý chuyên ngành phải cắt giảm hoặc trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hiện hành thuộc thẩm quyền quản lý theo tinh thần Nghị quyết 01 của Chính phủ, ban hành ngày 1-1-2018. Đến ngày 16-8, Bộ chậm nhất cũng đã trình dự thảo nghị định cắt giảm.

Trên thực tế, khoảng 900 ĐKKD (đạt 15,2%) trong tổng số 5.905 ĐKKD hiện hành đã được cắt giảm. Dù chưa đạt yêu cầu cả về tỷ lệ và tiến độ cắt giảm ĐKKD theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng bù lại, với đề xuất cắt giảm mà các bộ đã trình và các nghị định dự kiến được ban hành trong thời gian tới, cả nước có thể sẽ cắt giảm được hơn 60% số ĐKKD hiện hành (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến cắt hơn 65% số ĐKKD; Bộ Y tế cắt hơn 72%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến cắt giảm 54%; Bộ Tài chính dự kiến giảm hơn 52%...), tức vượt mục tiêu đề ra. Tất nhiên, môi trường kinh doanh chỉ được cải thiện thật sự khi không để xảy ra tình trạng cắt giảm hình thức, chuyển ghép nội dung của ĐKKD bị cắt vào bổ sung cho các ĐKKD còn lại, kiểu “đánh bùn sang ao” mà không có chuyển động thực chất.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, hiện cả nước có hơn 5.600 văn bản trái pháp luật (VBTPL). Trong đó, hơn 1.200 VBTPL về thẩm quyền ban hành và nội dung; hơn 3.800 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày; gần 600 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng có chứa quy phạm pháp luật… Riêng năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã kiểm tra, phát hiện và kết luận 157 VBTPL về nội dung, thẩm quyền. Trong số này, có 26 văn bản của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh. Những VBTPL chủ yếu liên quan quản lý nhà nước về kinh tế…

Khi các văn bản luật tạo lập môi trường kinh doanh vừa chậm, vừa thiếu tính đồng bộ, chất lượng thấp thì khó mà có được hiệu lực, hiệu quả cao trong hoạt động quản lý của Nhà nước kiến tạo. Điều này sẽ tạo cơ hội tham nhũng và tăng chi phí, thời gian, công sức, tiền bạc, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; giảm tính minh bạch, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, giảm sức cạnh tranh kinh doanh. Nguy hiểm hơn, VBTPL liên quan các cam kết quốc tế sẽ có thể dẫn đến rủi ro chính sách, thậm chí phát sinh các vụ kiện cáo, khiếu nại và cáo buộc cơ quan Nhà nước Việt Nam, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín và lợi ích kinh tế, xã hội của đất nước.

Việc xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật vừa chậm về tiến độ, vừa không bảo đảm chất lượng, thường là do sự hạn chế cả về nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan; nhất là do sự xao nhãng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, đốc thúc và kiểm tra của người đứng đầu đơn vị, bộ phận trực tiếp được giao nhiệm vụ. Bởi vậy, cần tăng tính chuyên nghiệp và luật hóa việc xây dựng, ban hành và rà soát văn bản quy phạm pháp luật (trong đó cần sớm xây dựng, thông qua Luật Ban hành văn bản pháp luật); nhận diện và kiên quyết khắc phục lối tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm và tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng và áp dụng văn bản luật.

Cần hình thành những thể chế chuyên trách và các bộ chỉ số chuyên ngành về rà soát và đánh giá chất lượng các văn bản luật và năng lực thể chế các cấp, đo lường sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân như bộ tiêu chí Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và “Báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính” (Báo cáo APCI 2018 mới được công bố lần đầu ngày 17-8-2018)...

Bảo đảm tiến độ và chất lượng văn bản pháp luật để cải thiện môi trường đầu tư thực chất và nhanh chóng là đòi hỏi cấp thiết, trọng tâm ưu tiên trong số các giải pháp đồng bộ cần có. Đây đồng thời là nhiệm vụ, mục tiêu, thước đo, công cụ và động lực nâng cao kỷ cương công vụ, năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, vì sự phát triển ổn định, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như sự phát triển của quốc gia trong hội nhập quốc tế...

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37375102-bao-dam-tien-do-va-chat-luong-van-ban-luat.html