Bảo đảm sự đồng bộ, khả thi của công tác quy hoạch

Ngày 25-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch. Buổi chiều, QH nghe Tờ trình về Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật An ninh mạng và thực hiện công tác nhân sự.

Bổ sung, sửa đổi để đồng bộ, thống nhất

Ðầu giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch. Báo cáo cho biết: Tại kỳ họp thứ ba, QH khóa XIV, QH đã thảo luận, cho ý kiến (lần thứ hai) về dự án Luật Quy hoạch. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật Quy hoạch và nhiều nội dung trong dự thảo luật. Tuy nhiên, các đại biểu QH băn khoăn về tính khả thi của dự thảo luật, vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu QH và các cơ quan có liên quan, QH đã quyết định chưa thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ ba để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án luật. Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch gồm sáu Chương, 72 Ðiều…

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của luật này, nhiều đại biểu nhấn mạnh: Ðể bảo đảm tính khả thi của luật khi được ban hành, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với quy định của các luật liên quan. Cần hạn chế các nội dung giao Chính phủ quy định để tránh việc ban hành xong, luật vẫn phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Ðại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khẳng định: Ðây là một luật khung rõ nét, phức tạp nhất từ trước đến nay nhưng lần đầu áp dụng phương pháp tích hợp tiên tiến. Vấn đề cốt lõi chính là kỹ thuật công nghệ, chuyên môn của hệ thống chuyên gia đến năng lực các thành viên hội đồng thẩm định, thẩm tra. Ðáng chú ý, do tích hợp đa ngành cho nên cơ chế làm việc, hợp tác phản biện giải quyết các vấn đề liên quan xung đột lợi ích địa phương trong quy hoạch vùng, ngành để lựa chọn hình thành phương án tối ưu trong khoảng thời gian không dài là thách thức lớn. Chỉ có tính độc lập, khách quan, đủ năng lực chuyên môn thật sự của các thành viên hội đồng mới không biến luật này thành kết quả của phép cộng một loạt các quy hoạch tồn tại như hiện nay.

Nhiều đại biểu góp ý kiến về việc tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ, thành lập hội đồng và quyết định phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, trong đó đề nghị, việc thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh nên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, nhằm bảo đảm thống nhất giữa thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch với tỉnh, thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, quy hoạch tỉnh phải phù hợp với quy hoạch của quốc gia, quy hoạch vùng, tránh trường hợp khi thực hiện phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh phải thành lập tới hai hội đồng thẩm định...

Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề về Luật Quy hoạch đã được các đại biểu QH nêu ra. Trong đó, Bộ trưởng cho biết: Việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp là lần đầu được thực hiện và đây là xu thế từ thực tiễn, từ kinh nghiệm quốc tế. Không thể mỗi ngành tách rời nhau để lập từng quy hoạch riêng, cần có sự tích hợp để thống nhất, tránh xung đột, tránh mâu thuẫn và phát huy được tối đa các lợi ích, lợi thế của các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, đây là lần đầu chúng ta tổ chức thực hiện theo phương pháp này cho nên còn những thách thức trong quá trình tổ chức triển khai. Do vậy, cần phải đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, nhất là các phần mềm để bảo đảm thống nhất và công khai, minh bạch…

Bảo đảm an ninh mạng và bí mật Nhà nước trong tình hình mới

Ðầu giờ làm việc buổi chiều, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận tại Ðoàn đại biểu QH về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông vận tải đối với đồng chí Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với đồng chí Phan Văn Sáu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH về nội dung này.

QH thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trưởng Ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu. Theo đó, với số phiếu đồng ý cao, QH phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông vận tải đối với đồng chí Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với đồng chí Phan Văn Sáu. QH biểu quyết, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông vận tải đối với đồng chí Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với đồng chí Phan Văn Sáu, với 433 đại biểu tán thành, bằng 88,19% tổng số đại biểu QH.

Thay mặt QH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao kết quả công tác của đồng chí Trương Quang Nghĩa và đồng chí Phan Văn Sáu trong thời gian qua, bày tỏ tin tưởng các đồng chí tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên cương vị mới.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Giao thông vận tải (nhiệm kỳ 2016-2021) đối với đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ðoàn đại biểu QH khóa XIV tỉnh Sóc Trăng và nhân sự Tổng Thanh tra Chính phủ (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đối với đồng chí Lê Minh Khái, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ðoàn đại biểu QH khóa XIV tỉnh Bạc Liêu. QH tiến hành thảo luận ở Ðoàn về nội dung này.

Chiều qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày hai Tờ trình về: dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN); dự án Luật An ninh mạng.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ BMNN, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt tán thành việc cần thiết ban hành luật và nhấn mạnh: Qua hơn 15 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ BMNN đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ BMNN. Tuy nhiên, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi, quyền tiếp cận thông tin, sử dụng thông tin của công dân trong phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi ngày càng cao; mặt khác, sự thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp để bảo đảm công tác bảo vệ BMNN. Một số ý kiến cho rằng, nhiều nội dung quản lý, bảo vệ BMNN đã có sự thay đổi căn bản trong điều kiện khoa học - công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc, cho nên các quy định về công tác quản lý, bảo vệ BMNN trong dự thảo luật cần bảo đảm phù hợp yêu cầu của tình hình mới, nhất là việc xác định phạm vi danh mục BMNN, các biện pháp, phương pháp, công cụ để bảo vệ BMNN cần phải quy định cụ thể, chặt chẽ ngay trong luật để bảo đảm tính khả thi.

Ðối với dự án Luật An ninh mạng, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH, nêu rõ: Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở và hệ thống chính sách chưa đồng bộ, thì việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết. Nội dung dự thảo luật phù hợp các chủ trương, đường lối của Ðảng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, đối chiếu dự thảo luật với các luật liên quan, không để có sự trùng lặp trong hệ thống pháp luật.

Tôi thấy một số bất cập có thể gây ra tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" khi việc lập tổ chức quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và phê duyệt nhiệm vụ các quy hoạch này đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ... Việc Bộ Kế hoạch và Ðầu tư có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh liệu có phù hợp khi cấp tổ chức quy hoạch là UBND cấp tỉnh. Trong dự thảo luật chưa thấy việc phân quyền tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ thành lập hội đồng thẩm định và quyết định phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh theo những nguyên tắc nào…

Ðại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh)

Tôi rất băn khoăn vì luật này liên quan nhiều luật, trong khi thời gian không có nhiều để nghiên cứu sâu. Nếu ban hành, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng hơn để bảo đảm khả thi. Qua tổ chức hội thảo với các nhà khoa học, chúng tôi thấy một chủ đề đặt ra về quy trình, thủ tục để bồi hoàn giải phóng mặt bằng và tái định cư cho nhân dân trong vùng dự án thì giữa Luật Ðất đai và Luật Xây dựng và quy hoạch còn chồng chéo và để giải quyết những vấn đề còn phải chờ Luật Quy hoạch ban hành…

Ðại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ)

Trong thực tế, các cơ quan lập quy hoạch phải thực hiện rất nhiều quy trình, khảo sát hiện trạng ở cơ sở, thu thập thông tin, lấy ý kiến từ người dân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khó khăn đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, bất đồng ngôn ngữ thì có thể xảy ra việc thực hiện không đúng quy trình, nội dung, thủ tục theo quy định, dẫn đến nội dung quy hoạch không phù hợp thực tế, không bảo đảm chất lượng.

Ðại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La)

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34504902-bao-dam-su-dong-bo-kha-thi-cua-cong-tac-quy-hoach.html