Bảo đảm sở hữu trí tuệ là công cụ phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 9-5, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Tọa đàm 'Vai trò của sở hữu trí tuệ (SHTT) với phát triển kinh tế, xã hội', nhằm thảo luận cách thức gắn kết nội dung SHTT vào các chính sách phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xác định vai trò của các bộ, ngành trong việc lồng ghép, triển khai các vấn đề SHTT, tiếp thu các khuyến nghị của chuyên gia đối với Dự thảo Chiến lược SHTT của Việt Nam.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định, nền tảng pháp luật về SHTT của Việt Nam cơ bản phù hợp chuẩn mực quốc tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội thời gian qua, nhưng đóng góp của SHTT vào sự phát triển của đất nước còn hạn chế. Hệ thống SHTT chưa tiếp cận được với cách thức mới là một cấu phần quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, nội dung SHTT là bộ phận không thể thiếu trong chính sách phát triển công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa đến y tế, giáo dục, môi trường… Từ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội đặt ra yêu cầu phải xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia nhằm xây dựng các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để bảo đảm SHTT thực sự trở thành công cụ đóng góp vào các mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, quốc gia.

Để thực hiện được điều đó, hệ thống SHTT quốc gia phải được đặt trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tạo động lực để tăng cường đổi mới sáng tạo, thúc đẩy việc ứng dụng tri thức để tạo ra sản phẩm, dịch vụ cho xã hội. Các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương có vai trò quan trọng trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội dựa trên KH và CN; phải có mục tiêu hỗ trợ, tạo mối liên kết nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp. Các viện nghiên cứu, trường đại học là nơi tạo ra tri thức công nghệ. Doanh nghiệp là nơi ứng dụng tri thức và công nghệ để tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Cần có chính sách hỗ trợ, tạo ra nhu cầu tự thân của doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực tiếp thu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, nghiên cứu để phát triển các sản phẩm phù hợp yêu cầu của thị trường. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tạo lập và phát triển các định chế trung gian (như: Các khu công nghệ cao, các vườn ươm công nghệ, các khu làm việc chung...); các chính sách kinh tế, thị trường, các thiết chế tài chính Quỹ KH và CN của doanh nghiệp, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, các quỹ đầu tư mạo hiểm…

Ông Andrew Ong, Phụ trách Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) cho rằng, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và Chiến lược phát triển KH và CN cần kết nối với Chiến lược SHTT. Sử dụng và tận dụng triệt để SHTT là cách các quốc gia phát triển đang áp dụng. Nếu không có doanh nghiệp thì SHTT không thể tồn tại. Các chuyên gia tư vấn xây dựng Chiến lược SHTT góp ý, để SHTT thành công cụ phát triển kinh tế, xã hội, cần bảo đảm hệ thống luật pháp ổn định, thường xuyên rà soát cập nhật; có chương trình hỗ trợ khối tư nhân; điều phối giữa các bên liên quan để thực hiện tốt chiến lược SHTT quốc gia...

MINH PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/thong-tin-so/item/40128602-bao-dam-so-huu-tri-tue-la-cong-cu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html