Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam ở nước ngoài

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, chiều 13/11, với tỷ lệ thán thành rất cao lên đến 93,36% (450/454 đại biểu có mặt tán thành), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và các đại biểu bên hành lang Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và các đại biểu bên hành lang Quốc hội

Luật gồm 08 Chương và 74 điều, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đối tượng áp dụng của Luật là Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua LuậtCác đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua LuậtCác đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định trong Luật đó là: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây: Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hợp đồng lao động do người lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

Trình bày báo cáo giải trình trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một trong những nội dung đại biểu quan tâm khi thảo luận, đó là điều kiện cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Có ý kiến đại biểu đề nghị kế thừa và luật hóa quy định hiện hành về mức tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật quy định vấn đề này về cơ bản kế thừa Luật hiện hành và việc giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết nhằm linh hoạt trong công tác điều hành, đáp ứng với thực tế đa dạng của các thị trường tiếp nhận lao động khác nhau, theo từng thời kỳ cụ thể và phù hợp với cung - cầu lao động trong nước và nước ngoài.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội "cho phép được quy định như dự thảo Luật", bà Thúy Anh nói.

Bảng biểu quyết Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Làm rõ thêm, UBTV Quốc hội cho rằng, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và để khắc phục những tiêu cực nảy sinh thời gian qua trong hoạt động của chi nhánh, nên dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ điều kiện chi nhánh được hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (khoản 2); các hoạt động mà chi nhánh không được thực hiện (khoản 3) và xác định doanh nghiệp dịch vụ phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh (khoản 1).

Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước (các điều 66, 67 và 68), có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc phân bổ, hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cho các địa phương để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, mở rộng và phát triển thị trường lao động ở nước ngoài.

Bà Thúy Anh cho biết, việc sử dụng và chi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước phải căn cứ vào nguyên tắc đóng và đối tượng đóng.

Dự thảo Luật đã không còn quy định Nhà nước đóng góp vào Quỹ này và chỉnh lý quy định các trường hợp, nội dung hỗ trợ cụ thể đối với người lao động, đối với doanh nghiệp dịch vụ để tránh trùng lắp với việc hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép được tiếp thu, chỉnh lý như dự thảo Luật.

Sau khi thông qua, Luật sửa đổi sẽ góp phần hoàn thiện chính sách, tác động đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vào thời điểm đất nước đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Trước khi thông qua toàn bộ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có đến 93,57% đại biểu tán thành thông qua Điều 6 của luật về "Quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng";

Và đạt 92,74% đại biểu tán thành thông qua Điều 17 về "Chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng", trước khi thông qua toàn bộ Luật.

Thành Công

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bao-dam-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-lao-dong-viet-nam-o-nuoc-ngoai-20201113171506163.htm