Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 6-4-2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) chung quanh ý nghĩa và những nội dung quan trọng của luật.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết Luật TCTT điều chỉnh những vấn đề gì và mục đích, ý nghĩa của luật?

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh: Bảo đảm quyền được thông tin của công dân là mục tiêu luôn được Đảng và Nhà nước ta chú trọng nhấn mạnh trong nhiều chủ trương, chính sách. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định bảo đảm quyền được thông tin của công dân. Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận quyền được thông tin của công dân. Hiến pháp năm 2013 kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 nhưng đã tiến thêm bước lớn thông qua việc đổi tên thành quyền TCTT của công dân, khẳng định rõ hơn quyền của công dân trong việc chủ động tìm kiếm, TCTT.

Luật TCTT được ban hành nhằm thể chế hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp, quy định việc thực hiện quyền TCTT của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền TCTT, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền TCTT của công dân. Có thể thấy luật tập trung vào việc giải quyết những vấn đề liên quan nhằm bảo đảm mỗi người dân bình thường có thể thực hiện quyền TCTT của mình.

Luật TCTT là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên cụ thể hóa quyền TCTT của công dân, quy định một cách tập trung và thống nhất trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước và quyền của công dân trong việc chủ động tìm kiếm, TCTT. Đây là đạo luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền TCTT của công dân và góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Thực hiện hiệu quả các quy định về TCTT sẽ là một biện pháp quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phóng viên: Bảo đảm quyền TCTT của công dân gắn liền với tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin. Vậy, luật có cơ chế nào để bảo đảm cơ quan nhà nước tạo điều kiện cho công dân dễ dàng TCTT?

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh: Bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân là mục tiêu cơ bản, trọng tâm của việc ban hành Luật TCTT, thể hiện xuyên suốt trong các quy định cụ thể của luật. Ngay từ những quy định chung, luật đã tập trung làm rõ khái niệm thông tin, thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra, phạm vi thông tin được tiếp cận, không được tiếp cận, được tiếp cận có điều kiện, nguyên tắc cung cấp thông tin, phạm vi và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin... Các quy định cụ thể của luật về công khai thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu và biện pháp bảo đảm thực hiện quyền TCTT cũng đề cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải nghiêm túc, tích cực công khai, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cũng như thực hiện các biện pháp cụ thể bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân.

Theo tinh thần chung như vậy, tại Điều 17 Luật TCTT, ngoài 15 nhóm thông tin phải được công khai còn quy định cơ quan nhà nước cân nhắc công khai thêm thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ. Về hình thức công khai thông tin, bên cạnh 5 hình thức công khai thông tin chính, Luật giao cơ quan nhà nước xác định thêm các hình thức công khai thông tin khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc TCTT.

Về cơ bản, cơ quan nhà nước phải chủ động công khai rộng rãi thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra để công dân tự do tiếp cận và khai thác thông tin. Trong một số trường hợp vì lý do khách quan nào đó công dân không thể TCTT được công khai hoặc có một số loại thông tin không cần thiết hoặc không nên phổ biến rộng rãi, Luật TCTT xây dựng cơ chế cụ thể, khả thi để công dân yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin mà họ muốn tiếp cận. Phạm vi các thông tin được cung cấp theo yêu cầu được quy định theo hướng nêu rõ những thông tin cơ quan nhà nước phải xem xét cung cấp cho công dân và khuyến khích cơ quan nhà nước cung cấp thêm các thông tin khác cho công dân.

Cùng với quy định mở, thuận lợi cho công dân, Luật TCTT còn có nhiều quy định khác tăng cường trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền TCTT của công dân.

Phóng viên: Luật TCTT là một trong những đạo luật có thời gian chuẩn bị điều kiện thi hành tương đối dài. Xin đồng chí cho biết về công tác chuẩn bị thi hành luật trong thời gian tới?

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh: Trong quá trình xây dựng Luật TCTT, thời điểm có hiệu lực thi hành luật là vấn đề được bàn thảo rất nhiều. Sau khi cân nhắc kỹ, Quốc hội đã quyết định thời điểm có hiệu lực là ngày 1-7-2018 nhằm bảo đảm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm thi hành luật.

Về phía Chính phủ, việc chuẩn bị triển khai thực hiện Luật TCTT được tiến hành một cách nghiêm túc và hiệu quả. Bên cạnh quán triệt các quy định của luật, các bộ, ngành đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch của Chính phủ và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cho đến nay về cơ bản đã hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ, đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đều đã được ban hành để có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật. Được giao trách nhiệm lớn trong triển khai thi hành Luật TCTT, song song việc chủ động, tích cực đôn đốc các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, Bộ Tư pháp đã rất nỗ lực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của luật, tổ chức các hội thảo, các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cung cấp thông tin, phát hành tài liệu, sổ tay hướng dẫn thực hiện luật cho cả cơ quan nhà nước và công dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

THÁI TRUNG (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/37203102-bao-dam-quyen-tiep-can-thong-tin-cua-cong-dan.html