Bảo đảm quyền lợi y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Từ nhiều năm nay, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở địa bàn khó khăn tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), góp phần quan trọng để 'phủ sóng' chính sách an sinh này. Song, việc tiếp cận chính sách BHYT ở vùng DTTS và miền núi vẫn còn những 'khoảng trống' nhất định.

Tỷ lệ người DTTS có thẻ BHYT trong những năm qua luôn đạt tỷ lệ cao

Tỷ lệ người DTTS có thẻ BHYT trong những năm qua luôn đạt tỷ lệ cao

"Phủ sóng” chính sách

Báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh của Ủy ban Dân tộc cho thấy, thời gian qua, chính sách y tế chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS luôn được thực hiện theo hướng: Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe.

Trong đó, Nhà nước đã ưu tiên bố trí ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở khám chữa bệnh, trang thiết bị y tế, nhất là đầu tư cho bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã.

Theo đó, đã có 87 trạm y tế từ dự án hỗ trợ ngành Y tế của EU giai đoạn 1; 288 trạm y tế từ dự án hỗ trợ ngành Y tế của EU giai đoạn 2; 58 trạm y tế từ Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giai đoạn 2... được xây dựng trong giai đoạn 2016- 2018.

Tỷ lệ người DTTS có thẻ BHYT trong những năm qua luôn đạt tỷ lệ cao, năm 2016 có 91% đồng bào dân tộc có thẻ BHYT; năm 2017 đạt 92,05% và năm 2018 là 93,68%.

Ðồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào được khám chữa bệnh ở tất cả cơ sở y tế trên địa bàn và được Quỹ BHYT chi trả.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS ngày càng được bảo đảm về số lượng và chất lượng; các cơ sở y tế quân - dân y tích cực khám chữa bệnh cho người dân. Từ năm 2016, đã có 410 trạm y tế, phòng khám quân - dân y, thuộc các xã vùng sâu, vùng xa thực hiện khám chữa bệnh cho người dân…

Chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS sinh con đúng chính sách, chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản (kiêm thêm nhiệm vụ cô đỡ thôn, bản) cũng được triển khai thực hiện hiệu quả tại nhiều địa phương, góp phần phát huy vai trò cầu nối giữa y tế xã với người dân.

BHYT được xem là “cứu cánh” cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhưng chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo. GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương khẳng định, nhờ có BHYT và chỉ có BHYT người bệnh mới có thể đủ điều kiện để thụ hưởng tất cả các dịch vụ y tế tiên tiến nhất.

Với bản chất nhân văn, ý nghĩa cao đẹp đó, chính sách, pháp luật về BHYT từng bước được hoàn thiện, cả về văn bản pháp lý cũng như kết quả triển khai trong thực tiễn.

Đặc biệt, với người nghèo, đồng bào DTTS sinh sống ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ để người dân mua, đóng BHYT. Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng được mở rộng; mục tiêu BHYT toàn dân chỉ còn cách “đích” không xa.

Vẫn còn “khoảng trống”

Với nỗ lực không ngừng hoàn thiện chính sách BHYT cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nên nhân dân ngày càng được tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến khi khám chữa bệnh bằng BHYT.

Chính sách BHYT đã thực sự được nhân dân đón nhận; tuy nhiên, đối với người dân ở vùng DTTS và miền núi, dù được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua- đóng BHYT nhưng tỷ lệ sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

Số liệu của Ủy ban Dân tộc cho thấy, hiện tỷ lệ sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh của người DTTS đạt 44,8%, chỉ bằng 1/2 so với bình quân cả nước (87,2%). Đặc biệt, một số dân tộc có tỷ lệ sử dụng thẻ BHYT chưa đến 30%, như: La Ha, X’tiêng, Ngái, Xinh Mun, Mường, Jrai, Bố Y,…

Nguyên nhân khiến tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh thấp là do bà con sinh sống ở vùng DTTS, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn cư trú cách cơ sở y tế quá xa.

Kết quả khảo sát của Ủy ban Dân tộc cho thấy, trung bình khoảng cách từ nơi ở đến trạm y tế của đồng bào DTTS là 3,8km, đến bệnh viện (tuyến huyện) là 16,7km.

Cá biệt, một số dân tộc có địa bàn cư trú cách rất xa bệnh viện, như: Ơ-đu (72km), Rơ Măm (60,1km), Hà Nhì (53,8km), Chứt (48km); ngoài ra có 24 DTTS khác có khoảng cách từ 20-40km.

Cùng với việc giao thông đi lại khó khăn thì một bộ phận đồng bào DTTS chưa nhận thức được vai trò của việc chăm sóc sức khỏe; chưa hiểu rõ ý nghĩa, giá trị của việc khám chữa bệnh bằng BHYT.

Chỉ tính riêng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ phụ nữ mang thai đến các cơ sở y tế khám thai ít nhất 1 lần rất thấp (70,9%). Cá biệt có một số dân tộc, tỷ lệ này chỉ đạt chưa đến 30%, như: La Hủ (9,1%), Hà Nhì (25,4%), Si La (25,5%),…

Như vậy, dù chính sách BHYT đã “phủ sóng” ở vùng DTTS và miền núi, nhưng việc tiếp cận các dịch vụ y tế để chăm sóc sức khỏe của một bộ phận DTTS vẫn còn những khoảng trống nhất định.

Những khoảng trống này cần thiết được lấp đầy bằng việc tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng (nhất là lĩnh vực giao thông), nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.

Theo số liệu mới nhất của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2019, cả nước có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 89%. Dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ bao phủ BHYT sẽ đạt 90%.

Đây là kết quả đáng khích lệ bởi từ đầu nhiệm kỳ 2016- 2021, Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90% vào năm 2020.

Đáng chú ý, trong 84,5 triệu người tham gia BHYT hiện nay thì có đến 34,2 triệu người do ngân sách Nhà nước (NSNN) đóng.

Ngoài ra, NSNN còn hỗ trợ đóng cho 17,1 triệu người. Những người được NSNN hỗ trợ mua- đóng BHYT đều thuộc hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công và đồng bào các DTTS nghèo sinh sống ở địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Thành Công

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/bao-dam-quyen-loi-y-te-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so_t114c9n151288