Bảo đảm quyền lợi của mọi học sinh

Việc dự kiến điều chỉnh mức học phí cấp học mầm non và phổ thông công lập năm học 2018-2019 tại Hà Nội đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Việc tăng học phí có gây 'sốc' cho phụ huynh? Căn cứ nào để điều chỉnh mức học phí mới? Gia đình học sinh nghèo liệu có đủ khả năng chi trả cho mức học phí này? Cơ quan quản lý sẽ làm gì để bảo đảm quyền lợi của mọi học sinh khi điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa bàn còn nhiều khác biệt?

Bảo đảm quyền lợi cho học sinh nghèo

Ba Vì là huyện có 7 xã miền núi, tỷ lệ học sinh là con em dân tộc thiểu số chiếm từ 25% đến 35%, tùy từng địa bàn. Theo chia sẻ của ông Lê Ngọc Tôn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện, mặc dù mức tăng học phí của học sinh khu vực miền núi là thấp nhất, song với mức sống của hầu hết các hộ dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, đây thực sự là một mối lo không nhỏ. Nếu không có các chính sách hỗ trợ đi kèm, học sinh nghèo có thể sẽ gặp không ít khó khăn; việc vận động học sinh ra lớp, nhất là tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng sẽ vấp nhiều trở ngại.

Học phí của trẻ mầm non sẽ tăng theo từng khu vực. Ảnh: Anh Tuấn

Theo thống kê sơ bộ, năm học 2017-2018, Ba Vì có khoảng 10 nghìn học sinh thuộc diện chính sách được hưởng chế độ miễn, giảm học phí hoặc hỗ trợ chi phí học tập trong tổng số khoảng 70 nghìn học sinh trên địa bàn.

Bà Nông Thị Nga (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) cho rằng, mức học phí tăng từ 14 nghìn đồng/tháng/học sinh lên 19 nghìn đồng/tháng/học sinh ở khu vực miền núi với nhiều gia đình có thể không quá căng thẳng, song gia đình bà thuộc diện khó khăn, lại có hai con đang đi học nên khá lo lắng. Nếu cứ mức tăng như này, thì các năm học tiếp theo, gia đình chưa biết xoay xở ra sao.

Trước mối lo này, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) khẳng định, việc điều chỉnh mức học phí năm học tới sẽ đi liền với việc tăng các chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, bảo đảm không để một học sinh nào vì khó khăn, không có tiền đóng học phí phải nghỉ học. Ước tính, năm học 2018-2019 sẽ có khoảng 87 nghìn học sinh được miễn và giảm học phí, tổng kinh phí từ ngân sách hỗ trợ là 26 tỷ đồng, tăng 7 tỷ đồng so với năm học 2017-2018.

“Bên cạnh việc tăng kinh phí hỗ trợ các đối tượng học sinh diện chính sách, Hà Nội tiếp tục điều chỉnh bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng học sinh thuộc diện chính sách, chứ không phải áp dụng theo địa bàn như trước đây. Cách thức này nhằm giúp cho mọi học sinh trong danh mục hưởng hỗ trợ đều được tiếp cận với các chính sách về học phí để bảo đảm quyền lợi học tập. Vì vậy, học sinh khó khăn dù theo học ở loại hình trường công lập hay ngoài công lập; học sinh ở địa bàn thành thị, nông thôn hoặc miền núi cũng đều được hưởng hỗ trợ như nhau, tuyệt đối không có sự khác biệt”, ông Nguyễn Viết Cẩn nhấn mạnh.

Mức thu nằm trong khung quy định

Theo dự kiến, năm học 2018-2019, mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội sẽ tăng lên mức 155 nghìn đồng/tháng/học sinh (với khu vực thành thị), 75 nghìn đồng/tháng/học sinh (nông thôn) và miền núi là 19 nghìn đồng/tháng/học sinh.

Ông Nguyễn Thành Nam (phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ) đề xuất, mức học phí nên được giữ ổn định trong vài năm học, chứ không nên năm nào cũng tăng. Việc tăng học phí đột ngột sẽ gây khó khăn cho không ít gia đình.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Cẩn cho biết: "Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐND đã quy định mức thu học phí đối với cấp học mầm non, phổ thông công lập năm học 2018-2019 và các năm tiếp theo, với nguyên tắc học phí hằng năm sẽ được điều chỉnh tăng dần trong khung quy định, đến năm học 2020-2021, mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% mức cao nhất trong khung quy định đối với khu vực miền núi. Như vậy, việc điều chỉnh học phí được thực hiện theo lộ trình đã công bố với mức tăng phù hợp, không gây "sốc" với phụ huynh".

Mới đây, liên sở GD-ĐT, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính đã có tờ trình UBND thành phố về vấn đề này, nêu rõ: Mức học phí hiện nay tại Hà Nội ở mức thấp trong khung học phí theo quy định của Chính phủ, trong đó vùng thành thị có mức thu đạt tỷ lệ gần 37%, vùng nông thôn đạt 45,8%, miền núi đạt 23%. Mức thu học phí dự kiến vẫn nằm trong khung quy định, trong đó mức tăng cao nhất là 40,9% ở khu vực thành thị. Việc huy động sự đóng góp của người dân cho giáo dục là cần thiết trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Kết quả khảo sát mức sống của người dân do Tổng cục Thống kê cho thấy, Hà Nội là một trong số địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao và đứng thứ 3 của cả nước nên có nhiều thuận lợi trong việc này.

Trước mối lo về việc tăng học phí ở trường công lập sẽ khiến các trường ngoài công lập đồng loạt tăng học phí, gây khó khăn cho phụ huynh và thiệt thòi cho nhiều học sinh, ông Nguyễn Viết Cẩn cho rằng: Nếu mức học phí quá cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa bàn, thì các trường sẽ khó tuyển sinh. Vì vậy, các trường sẽ phải cân nhắc, đưa ra mức học phí phù hợp.

Ngoài ra, theo Thông tư số 09/2009/BGDĐT về quy chế thực hiện công khai, các trường phải công khai mức học phí theo năm học và dự kiến mức thu cho cả quá trình đào tạo trước khi tuyển sinh. Đây là căn cứ để phụ huynh cân nhắc nguyện vọng và khả năng tài chính nhằm đạt hiệu quả cao nhất trước khi gửi con theo học tại các trường ngoài công lập.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/902148/bao-dam-quyen-loi-cua-moi-hoc-sinh