Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội

Bảo đảm quyền lợi cho người tham gia chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) trong thời điểm có dịch Covid-19, ngành BHXH tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả giao dịch; bố trí lực lượng phù hợp trực tại bộ phận 'một cửa'. Công tác đôn đốc thu, giảm nợ BHXH cũng được quan tâm.

Bộ phận “một cửa” BHXH quận Hà Đông tận tình đón tiếp, phục vụ người dân.

Tận tình phục vụ

Ngày 12-8, anh Tô Lê Anh (ngõ 6, phố Ngô Quyền, quận Hà Đông) vội vã đến BHXH quận Hà Đông làm thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho con trai. Sau khi đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, khai thông tin y tế tại khu vực bảo vệ, anh Lê Anh đến bộ phận “một cửa” làm thủ tục. Trong thời gian chờ nhận thẻ, anh cho biết: “Con trai tôi gần 2 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Khi lấy thẻ BHYT làm thủ tục cho con, tôi mới biết thông tin trên thẻ bị mờ, cần đổi thẻ ngay”. Sau khoảng 5 phút chờ đợi, anh Tô Lê Anh phấn khởi đón nhận tấm thẻ mới, rồi nhanh chóng vào bệnh viện lo cho con trai.

Ngoài trường hợp nêu trên, trung bình mỗi này, bộ phận “một cửa” BHXH quận Hà Đông tiếp đón, phục vụ gần 200 lượt người đến giao dịch, giải quyết các chế độ, chính sách. Còn trên phạm vi toàn thành phố, các cơ quan BHXH phục vụ khoảng 4.000 - 5.000 lượt người/ngày.

Theo Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, cơ quan BHXH trên địa bàn Hà Nội luôn coi việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia là mục tiêu cao nhất. Vì vậy, BHXH thành phố đã hướng dẫn BHXH các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Việc chú trọng bảo đảm quyền lợi cho người tham gia đã tạo niềm tin cho người dân. Do tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, số người tham gia BHYT trên địa bàn Hà Nội tăng thêm gần 200 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019. Chính sách khó thực hiện nhất trong giai đoạn này là BHXH tự nguyện cũng thu hút hơn 4.000 người tham gia, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trên toàn thành phố lên xấp xỉ 40.000 người.

Trên phạm vi cả nước, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT cũng tăng lên. Hiện nay, cả nước có hơn 737 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 163 nghìn người so với thời điểm cuối năm 2019, đạt hơn 60% kế hoạch cả năm. Số người tham gia BHYT là gần 86 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 88,8% dân số. Đáng ghi nhận hơn, toàn ngành BHXH đã giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho gần 5,4 triệu lượt người; thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 580 nghìn người; bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho hơn 92 triệu lượt người…

Tập trung đôn đốc thu, giảm nợ đọng

Bên cạnh những kết quả khả quan, ngành BHXH đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Nổi lên là công tác thu BHXH không đạt kết quả như mong muốn, số lượng đơn vị nợ BHXH gia tăng do nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải giải thể hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, khiến họ phải cho người lao động nghỉ việc hoặc không đủ năng lực đóng BHXH cho người lao động.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến thời điểm cuối tháng 7-2020, tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ một tháng trở lên) của cả nước là 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% tổng số phải thu. Tại Hà Nội, số đơn vị giải thể, ngừng sản xuất giao dịch, hết lao động từ đầu năm đến nay là gần 10 nghìn đơn vị, số tiền nợ BHXH là hơn 1.157 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động cũng nợ BHXH với số tiền lớn.

Theo danh sách nợ BHXH (tính đến thời điểm ngày 31-7-2020) do BHXH thành phố Hà Nội công khai, đơn vị nợ BHXH nhiều nhất ở Hà Nội hiện nay là Hợp tác xã Thành Công (số 499 Lương Thế Vinh, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) nợ hơn 8 tỷ đồng của 460 lao động; tiếp đến là Công ty cổ phần Sông Đà 6 (Khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông) nợ hơn 7 tỷ đồng của 720 lao động...

“Việc các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là khi không may họ bị ốm đau, tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp”, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật trăn trở.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn. Nổi bật là giải pháp hỗ trợ tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, thời gian gần đây, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất của hơn 1.500 đơn vị, doanh nghiệp, tương ứng với hơn 130 nghìn người lao động, với số tiền gần 500 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều đơn vị, doanh nghiệp có biến động về lao động được giãn nợ BHXH đến tháng 12-2020.

Với các doanh nghiệp ít bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cơ quan BHXH tiếp tục tuyên truyền, tổ chức đối thoại, tọa đàm với doanh nghiệp và người lao động về thực hiện nghĩa vụ đóng, nộp BHXH; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện chính sách BHXH, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Hy vọng, những biện pháp đôn đốc thu nợ BHXH sẽ góp phần giảm đáng kể tình trạng nợ đóng BHXH trong năm 2020.

Minh Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/975686/bao-dam-quyen-loi-cho-nguoi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi