Bảo đảm quyền lợi cho cư dân chung cư

Một chuyện thật như đùa đang diễn ra tại chung cư Phú Hoàng Anh ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, gây bức xúc trong dư luận bốn năm qua…

Một chuyện thật như đùa đang diễn ra tại chung cư Phú Hoàng Anh ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, gây bức xúc trong dư luận bốn năm qua…

Bà Nguyễn Thị Châm (76 tuổi) mua nhà tại chung cư nêu trên nhưng Ban Quản trị (BQT) tòa nhà ngăn cản không cho vào sinh sống bằng các hành vi: Đổ keo vào ổ khóa; khóa hai đầu cầu thang bộ thoát hiểm; lột bỏ nút ấn thang máy lên tầng có nhà của cư dân… Câu chuyện trên diễn ra trong suốt bốn năm trời và ngần ấy năm bà Châm ôm đơn kêu cứu không biết bao nhiêu nơi, từ BQT tòa nhà đến UBND xã, UBND huyện, Thanh tra Sở Xây dựng, Ban Giám đốc Sở Xây dựng…, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Sự bức xúc của bà Châm và nhiều cư dân khác bắt nguồn từ sự lộng quyền của BQT chung cư do chính cư dân bầu ra và sự thiếu kiên quyết của chính quyền các cấp…

Tình trạng tranh chấp giữa cư dân và BQT chung cư thường xuyên diễn ra suốt một thời gian dài và không chỉ có ở TP Hồ Chí Minh. Dù biết BQT có sai phạm, thiếu trách nhiệm và năng lực, nhưng chính quyền địa phương không có cơ sở để bãi nhiệm. Theo quy định hiện hành, dù BQT do cư dân bầu ra nhưng muốn bãi miễn phải có đủ 50% số chủ sở hữu căn hộ gửi đơn đề nghị tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường thì chính quyền địa phương mới có cơ sở thực hiện. Trong khi đó, thực tế ở rất nhiều chung cư, phần lớn chủ sở hữu thật sự là người mua căn hộ để cho thuê, không trực tiếp sinh sống; do vậy, để có tỷ lệ 50% như nêu trên là rất khó khăn.

Hiện tại, hành lang pháp lý để quản lý chung cư là Luật Nhà ở năm 2014. Tiếp đó, ngày 20-10-2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngày 30-6-2016, Bộ Xây dựng có Thông tư số 20/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Ngày 31-10-2019, Bộ Xây dựng có tiếp Thông tư số 06/2019/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong đó quy định rất rõ vai trò của chính quyền địa phương. Theo đó, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ chủ đầu tư tổ chức hội nghị chung cư lần đầu; ban hành quyết định công nhận BQT, xây dựng quy chế của BQT, đồng thời công bố công khai tất cả các dịch vụ cùng kinh phí đi kèm. Sau đó, địa phương sẽ giám sát, theo dõi và hỗ trợ. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp sẽ mời các bên hướng dẫn hỗ trợ, nếu không đi đến kết quả thì tòa án vẫn là nơi cuối cùng thụ lý giải quyết.

Theo các chuyên gia, BQT nhà chung cư hiện nay được tổ chức theo mô hình Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần, hoặc Ban Giám đốc hợp tác xã. Trước đây, quy định hội nghị nhà chung cư lần đầu phải có 75% số cư dân nay sửa lại 50% và chỉ tổ chức một lần không thành thì UBND phường đứng ra tổ chức. Cư dân khi bức xúc có căn cứ pháp luật, thực tiễn gửi lên phường thì không cần lấy ý kiến cư dân từ 50% trở lên nữa mà UBND phường có thể tổ chức hội nghị bất thường…

Để bảo vệ quyền lợi của mình, cư dân phải cố gắng tham gia các hội nghị nhà chung cư. Khi đó, BQT chung cư sẽ không dám làm sai, không dám tự tiện chủ trương những vấn đề trái với lợi ích của cư dân... Khi bầu cử, cư dân nên bầu những người có năng lực, có tâm; đồng thời phải có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động của BQT nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động, trong thu chi tài chính. Một chung cư, nếu chủ đầu tư chuẩn, đơn vị quản lý tốt, chính quyền địa phương gần dân, sát dân, kiên quyết xử lý các sai phạm ngay từ đầu…thì mọi tranh chấp sẽ sớm được giải quyết.

AN VŨ NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dan-biet-dan-ban/bao-dam-quyen-loi-cho-cu-dan-chung-cu-638935/