Bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhà nước và nhà đầu tư

Hôm qua, 19-11 là ngày làm việc thứ 22, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XIV. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Buổi chiều, trước khi thảo luận ở tổ về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, QH đã nghe Tờ trình về hai dự án luật nêu trên.

Ngày làm việc thứ 22, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH

Huy động nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội

Thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu QH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan. Nhiều ý kiến nêu rõ: Việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều đại biểu QH quan tâm, phát biểu ý kiến góp ý về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu (Điều 77) của dự thảo luật. Theo đó, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên (công và tư) trong thực hiện dự án PPP là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện dự án PPP với vai trò là các đối tác trong hợp đồng PPP. Để xử lý các rủi ro về doanh thu, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án luật, các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế cũng như trách nhiệm, để tránh việc xuất hiện lợi ích nhóm, xin - cho, thiếu công khai, minh bạch trong áp dụng luật vào các trường hợp cụ thể. Đồng thời, phải xác định được nguồn tiền để xử lý các rủi ro ngay tại dự thảo luật. Có đại biểu đề nghị: Không nên quy định lấy nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện việc chia sẻ rủi ro. Đồng thời, chỉ áp dụng cơ chế này trong những trường hợp khách quan như thiên tai; hoặc chủ quan do cơ quan nhà nước thay đổi về quy hoạch, thay đổi về pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ…

Về việc Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với các dự án PPP, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương), Hà Thị Lan (Bắc Giang) và một số đại biểu khác băn khoăn về việc dự thảo luật quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán đối với phần vốn do Nhà nước hỗ trợ. Đây là nội dung cần được xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng bởi tài sản hình thành từ các dự án là tài sản công, cho nên phải được quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định và phải thuộc phạm vi của Kiểm toán Nhà nước. Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, thay vào đó cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được thu phí tổ chức, cá nhân sử dụng kết cấu hạ tầng với mức thu và thời hạn thu do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất. Chi phí đầu tư là cơ sở để xác định thời gian, mức thu phí đối với dự án. Vì vậy, nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí đối với công trình. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị thực của tài sản công trong dự án PPP cần phải được các cơ quan chức năng thực hiện chính xác, cụ thể để có căn cứ cho việc kiểm toán, tránh thất thoát, lãng phí…

Xây dựng cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án

Buổi chiều, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại tòa án; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án này.

Sau khi Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án nêu trên.

Sau đó, QH thảo luận ở tổ về dự án Luật HGĐT tại tòa án. Phần lớn đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật như Tờ trình của Chính phủ nêu, đồng thời nhấn mạnh: cơ chế HGĐT tại tòa án có nhiều ưu điểm, nếu thật sự đi vào cuộc sống, sẽ giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, góp phần hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra tòa án xét xử. Qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác HGĐT tại tòa án ở 16 tỉnh, thành phố, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 78,08% đã cho thấy ưu điểm của phương thức này.

Cho ý kiến về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, các đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), Lê Minh Sơn (Tiền Giang) và nhiều đại biểu tán thành quy định đối tượng bổ nhiệm là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu, như: thẩm phán, kiểm sát viên… hay những người là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác. Tuy nhiên, các vụ việc HGĐT thường có tính chất chuyên ngành sâu, phức tạp, do vậy đòi hỏi hòa giải viên phải am hiểu, có kinh nghiệm trong công tác pháp luật, vì vậy các quy định trong dự thảo luật về tiêu chuẩn này cần cụ thể, chặt chẽ hơn để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) và nhiều đại biểu cho rằng, việc công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án cần quy định theo hướng thủ tục bảo đảm nhanh gọn, tạo thuận lợi cho các bên tham gia, nhưng vẫn phải chặt chẽ, vì quyết định công nhận này có giá trị như bản án, có hiệu lực thi hành ngay khi được tòa án công nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, trình tự nhận, phân công, xử lý đơn chưa rõ, dễ dẫn đến đương sự hiểu việc HGĐT tại tòa án là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết tranh chấp. Đề nghị cân nhắc quy định để bảo đảm sự tự nguyện của các bên ngay từ đầu: hoặc là lựa chọn cơ chế HGĐT tại tòa án hoặc lựa chọn thủ tục giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP, nhiều đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm sửa luật để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác GĐTP, phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế. Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật GĐTP, thì vấn đề ách tắc trong hoạt động GĐTP hiện nay phần nhiều vẫn do khâu nhận thức và tổ chức thực hiện luật, nhất là từ phía các bộ, ngành chủ quản và các địa phương. Thực tế cũng cho thấy, hạn chế, vướng mắc nhất hiện nay trong hoạt động GĐTP là công tác giám định theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Trong đó, có trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định và việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu. Vì vậy, cần nghiên cứu thêm để tập trung vào việc sửa đổi những quy định, nhằm tháo gỡ những vướng mắc mà thực tiễn thi hành đặt ra, nhất là nhằm đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng…

Về lựa chọn nhà đầu tư tham gia dự án PPP, phải bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng, cạnh tranh lành mạnh. Do đó, hình thức lựa chọn chủ yếu phải là đấu thầu rộng rãi. Trình tự, thủ tục đấu thầu cần kế thừa triệt để Luật Đấu thầu hiện hành vì đây chỉ là cách thức chọn ra nhà đầu tư xứng đáng. Còn việc ưu đãi có hấp dẫn hay không phải thể hiện trong điều kiện của hồ sơ mời thầu, không nên quy định ưu ái về trình tự, thủ tục đấu thầu. Về nguồn vốn, theo tôi nên tách bạch vốn nhà nước và vốn tư nhân trong giai đoạn triển khai dự án, để tránh lạm dụng, lách luật theo PPP để bỏ qua các thủ tục nghiêm ngặt của Luật Đầu tư công. Vốn nhà nước chỉ nên sử dụng để chuẩn bị dự án, nếu có thì chỉ triển khai các hạng mục độc lập, không nên sử dụng đồng thời vốn nhà nước và vốn tư nhân cho việc xây dựng cùng một hạng mục công trình.

Đại biểu MAI HỒNG HẢI (TP Hải Phòng)

Khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, nói đến sự tự nguyện, là cơ chế thỏa thuận giữa Nhà nước và chủ đầu tư. Đó là việc “lời ăn, lỗ chịu” đúng theo nguyên tắc thị trường và trước khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư đã tự mình hình dung được hai yếu tố: lợi nhuận và rủi ro, khi đã ký kết hợp đồng thì đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro… Việc chia sẻ rủi ro sẽ tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước. Dự thảo luật quy định các dự án được chia sẻ rủi ro là những dự án quy mô lớn, những dự án trọng điểm và Nhà nước chia sẻ 50% rủi ro thì chia sẻ bằng hình thức nào? Nguồn sẽ lấy từ đâu? Khi tác động đến nợ công thì sẽ xử lý như thế nào? Đây là những câu hỏi chưa có câu trả lời.

Đại biểu VŨ THỊ LƯU MAI (TP Hà Nội)

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42293502-bao-dam-quyen-loi-chinh-dang-cua-nha-nuoc-va-nha-dau-tu.html