Bảo đảm quyền dân tộc tự quyết và quyền con người

Trong thời đại ngày nay, khi nhiều giá trị phổ quát của quyền con người được đề cao thì ranh giới, lợi ích, chủ quyền quốc gia - dân tộc cũng đang đứng trước những thách thức mới. Giải quyết mối quan hệ giữa quyền dân tộc tự quyết với quyền con người ở mỗi quốc gia trở thành một vấn đề cơ bản trong quan hệ đối nội và đối ngoại hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm bảo đảm quyền dân tộc tự quyết và quyền con người.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm bảo đảm quyền dân tộc tự quyết và quyền con người.

Quan niệm về quyền dân tộc tự quyết gắn với quyền con người

Nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết được Tổng thống Hoa Kỳ Thô-mát Uyn-son và V.I.Lê-nin nêu vào các năm 1918 và 1920. Đến năm 1945, trong Hiến chương Liên hiệp quốc (LHQ), Điều 55 khẳng định: Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc. Quan hệ giữa các dân tộc được xác định trong Hiến chương LHQ chính là quan hệ giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền; trong đó các dân tộc đa số và thiểu số đều bình đẳng để cùng hợp thành một dân tộc - quốc gia và mang tên gọi của đất nước mình. Như vậy, chỉ những dân tộc - quốc gia mới có quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Quyền dân tộc tự quyết chỉ thuộc về nhân dân; tức là tất cả dân cư thường xuyên sinh sống trên lãnh thổ của dân tộc - quốc gia mới là chủ thể của pháp luật quốc tế. Đây là quan điểm phù hợp với Hiến chương, các văn kiện của LHQ và thực tiễn tại các quốc gia trên thế giới hiện nay.

Do quyền dân tộc tự quyết của dân tộc - quốc gia chỉ thuộc về nhân dân nên quyền dân tộc tự quyết có mối quan hệ mật thiết với quyền của nhân dân. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, lần đầu tiên trong lịch sử đã gắn quyền dân tộc - quốc gia tự quyết với quyền cá nhân bằng việc kế thừa, phát triển tư tưởng quyền “tự nhiên” của mỗi cá nhân thành quyền đương nhiên của mọi dân tộc - quốc gia. Nói cách khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng quyền con người gồm cả quyền dân tộc tự quyết. Điều cần nhấn mạnh là trong pháp luật quốc tế, phải đến năm 1966, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa mới gắn quyền dân tộc tự quyết với quyền con người. Ở Khoản 1 Điều 1 của hai công ước này đều xác đinh:“1. Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”.

Trong khi pháp luật quốc tế xác định bảo vệ, bảo đảm quyền con người trên cơ sở trước tiên coi trọng quyền dân tộc tự quyết thì trong mấy thập niên gần đây, không ít chính phủ phương Tây lại đưa ra quan niệm quyền con người có tính phổ quát hết sức trừu tượng. Họ tuyệt đối hóa quyền của mỗi cá nhân, nhất là các quyền dân sự và chính trị. Từ đó họ nhấn mạnh "quyền con người cao hơn chủ quyền quốc gia", "quyền con người không có biên giới", để phủ nhận quyền của các dân tộc có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Không ai có thể phủ nhận một thực tế là quyền con người - một giá trị phổ quát, có tính toàn cầu, song cũng cần phải khẳng định quyền con người là một giá trị lịch sử, gắn với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi khu vực trên thế giới. Do vậy không thể áp đặt cho nhau.

Câu trả lời là phải có nhận thức đúng về quyền con người, gồm cả quyền cá nhân và quyền cộng đồng, đồng thời phải xem xét mối quan hệ có tính lịch sử - cụ thể giữa quyền dân tộc tự quyết và quyền con người nhằm bảo đảm cả quyền cá nhân và cả quyền cộng đồng trong đời sống mỗi dân tộc - quốc gia và trong đời sống nhân loại.

Trước hết, quyền dân tộc tự quyết và quyền con người có mối quan hệ khăng khít. Quyền con người trước hết là quyền cá nhân, song nó cũng là quyền cộng đồng; và quyền cá nhân, quyền cộng đồng đều được bảo đảm một cách cụ thể trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở mỗi dân tộc - quốc gia. Do đó, việc bảo đảm quyền con người cơ bản phải phụ thuộc vào quyền dân tộc tự quyết, vì quyền dân tộc tự quyết là quyền cộng đồng bao trùm của các cá nhân sinh sống trong một dân tộc - quốc gia . Nếu quyền dân tộc tự quyết không được tôn trọng thì quyền con người với tư cách là quyền của một cá thể, một tập thể riêng rẽ sẽ rất khó được bảo vệ, bảo đảm trong thực tế.

Thứ hai, quan hệ giữa quyền dân tộc tự quyết và quyền con người mang yếu tố thời đại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, trong khi ranh giới các dân tộc - quốc gia trở nên mờ nhạt, mong manh, chỉ còn mang tính tương đối thì quyền con người được đề cao như một giá trị cốt lõi của thời đại. Quyền dân tộc tự quyết, ở một khía cạnh nào đó phải phụ thuộc vào quyền con người. Nhưng đồng thời cùng với các quá trình toàn cầu hóa, các dân tộc - quốc gia lớn nhỏ cũng đang “gồng lên” để khẳng định và bảo tồn những gì còn sót lại của bản sắc dân tộc. Do đó, quyền con người, ở một khía cạnh nào đó phải phụ thuộc vào quyền dân tộc tự quyết. Vì thế, mối quan hệ giữa quyền dân tộc tự quyết và quyền con người đang ngày càng phức tạp. Ở khía cạnh này, với điều kiện này, quyền con người được đề cao là phù hợp, nhưng ở phương diện khác, trong hoàn cảnh khác, việc coi trọng quyền dân tộc tự quyết mới là đúng đắn. Do vậy, trong đấu tranh thực hiện quyền con người và quyền dân tộc tự quyết cần phải tính tới những yếu tố có tính thời đại. Đây cũng là một vấn đề có tính nguyên tắc để hiện thực hóa tối đa quyền con người trong khi vẫn bảo đảm được quyền dân tộc tự quyết trong thời đại hiện nay.

Thứ ba, yếu tố thể chế quyền công dân trong quan hệ giữa quyền dân tộc tự quyết và quyền con người. Quyền con người không đồng nhất với quyền công dân, nhưng quá trình bảo đảm quyền con người ở mỗi dân tộc - quốc gia cơ bản diễn ra trong khung khổ thể chế quyền công dân tại mỗi quốc gia, dù dân tộc - quốc gia đó có là thành viên và thực hiện trực tiếp nhiều công ước quốc tế về quyền con người. Vì thế quá trình bảo đảm quyền dân tộc tự quyết và quyền con người luôn phải xuất phát từ thể chế quyền công dân hay thể chế chính trị - xã hội của quyền công dân trong mỗi dân tộc - quốc gia.Các dân tộc - quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền và công việc nội bộ của mỗi dân tộc - quốc gia là do quốc gia tự quyết định, không thể có dân tộc - quốc gia nào đó coi thể chế quyền công dân của mình là khuôn mẫu quyền con người “có tính phổ quát” toàn nhân loại để áp đặt cho các dân tộc - quốc gia khác.

Thực hiện quyền dân tộc tự quyết và quyền con người ở Việt Nam

Ở Việt Nam, việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết gắn với quyền con người chủ yếu diễn ra dưới chính thể dân chủ - cộng hòa và cộng hòa XHCN từ năm 1945 trở lại đây. Các bản Hiến pháp, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, đều nhất quán dựa trên nguyên tắc bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Trong thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ 1945-1954 (và ở miền Nam đến 1975), với định hướng phát triển lên CNXH, mục tiêu độc lập dân tộc được đặt lên hàng đầu, tức là ưu tiên thực hiện quyền dân tộc tự quyết. Trong thời kỳ này, bảo đảm quyền con người mới tập trung vào bảo đảm quyền của các cộng đồng nền tảng (quyền tập thể) trong xã hội là giai cấp nông dân, công nhân và những người lao động khác. Trong đó, một biện pháp cơ bản là thực hiện “người cày có ruộng”, mà thực chất là thực hiện quyền con người cho quảng đại nhân dân tại một nước vốn là thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn. Việc tập thể hóa nông nghiệp và quốc hữu hóa những ngành công nghiệp chính là nhằm đem lại quyền sở hữu những tư liệu sản xuất chính yếu cho người lao động làm cơ sở để bảo đảm các quyền con người khác.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng CNXH trên cả nước. Tuy nhiên, do trình độ phát triển kinh tế còn thấp, lại duy trì cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp quá dài và với sự tác động của chiến tranh biên giới phía bắc, phía nam nên trong việc giải quyết mối quan hệ giữa quyền dân tộc tự quyết và quyền con người cơ bản vẫn ưu tiên quyền dân tộc tự quyết và tập trung vào bảo đảm quyền tập thể.

Trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), việc giải quyết mối quan hệ giữa quyền dân tộc tự quyết và quyền con người là nhằm bảo đảm quyền con người, cả quyền cá nhân và quyền tập thể, phù hợp với pháp luật quốc gia và quốc tế, trước hết là pháp luật quốc tế về quyền con người, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế.

Hội thảo Việt Nam trong Hội đồng Bảo an: Đối tác vì một nền hòa bình bền vững.

Để giải quyết bền vững và hiệu quả mối quan hệ giữa quyền dân tộc tự quyết và quyền con người trước tác động của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cần nắm vững một số định hướng sau:

Một là, trong bảo vệ, bảo đảm quyền dân tộc tự quyết và quyền con người phải ưu tiên bảo vệ, bảo đảm quyền dân tộc tự quyết phù hợp với Khoản 1, Điều 1 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Hai là, phải kịp thời nhận rõ đồng thời giải quyết hiệu quả trong thực tiễn những vấn đề mới đang đặt ra trước quyền dân tộc tự quyết và quyền con người, xuất phát từ thành tựu đã đạt được cũng như phát sinh từ sai lầm, thiếu sót. Một mặt, hiện nay trước tác động của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không chủ động, tích cực hội nhập vào thể chế khu vực và thế giới thì quyền dân tộc tự quyết sẽ bị xâm phạm, trước tiên bởi công nghệ số. Mặt khác, nếu không tích cực làm giảm phân cực giàu nghèo, đẩy mạnh chống tham nhũng và quan liêu thì quyền của đa số người dân bị xâm hại. Để có những quyết sách như vậy, phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện; trong đó cần nghiêm túc nhìn nhận những sai lầm, thiếu sót về lý luận và thực tiễn trong bảo vệ, bảo đảm quyền dân tộc tự quyết và quyền con người.

Ba là, thực hiện quyền dân tộc tự quyết và quyền con người tương thích với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là đang đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và phù hợp với thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN. Trong đó, cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhằm xác định rõ trách nhiệm pháp lý của các cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế, xã hội trong việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người và quyền dân tộc tự quyết; đồng thời xử lý công minh mọi hành vi xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân và xâm hại quyền lợi hợp pháp của dân tộc - quốc gia.

Bốn là, bảo vệ, thực hiện quyền dân tộc tự quyết và quyền con người ở Việt Nam hiện nay phải song hành với chủ động, tích cực đối thoại, đấu tranh phòng, chống những quan điểm, hành động của tổ chức, hành vi của cá nhân trong việc xuyên tạc, kích động chống phá chế độ chính trị - xã hội vốn là hàm nghĩa cốt lõi của quyền dân tộc tự quyết; đồng thời tăng cường tuyên truyền, cả đối nội và đối ngoại về lập trường, quan điểm đúng đắn của Việt Nam trong bảo vệ, bảo đảm quyền dân tộc tự quyết và quyền con người phù hợp với pháp luật quốc gia và quốc tế trong điều kiện hiện nay.

PGS, TS. Nguyễn Thanh Tuấn

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/nhan_quyen/2020/13681/bao-dam-quyen-dan-toc-tu-quyet-va-quyen-con-nguoi.aspx