Bảo đảm phát triển lâu dài

Thời gian qua, du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Thống kê tại Hà Nội cho thấy những con số không mấy lạc quan, khi có đến 80-90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động, 90% nhân sự trong ngành này đang tạm nghỉ việc, hoặc chuyển sang làm việc khác…

Vượt lên khó khăn, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội đã nhanh nhạy, chuyển hướng kinh doanh phù hợp với bối cảnh dịch bệnh, như tổ chức dịch vụ đưa đón khách, kinh doanh ẩm thực… Những hoạt động này dù chỉ mang tính tạm thời và nguồn thu không lớn, nhưng trên hết, các doanh nghiệp du lịch cho thấy sự chủ động và quyết tâm giữ chân người lao động cho mục tiêu phát triển dài hạn.

Bên cạnh các giải pháp trước mắt, ngành Du lịch Hà Nội cũng như các đơn vị lữ hành, điểm đến đã và đang triển khai các kế hoạch phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trên tinh thần xuyên suốt là thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, ngành Du lịch xác định các hoạt động du lịch sẽ được triển khai theo phương thức mới, bảo đảm hiệu quả, an toàn và phát triển bền vững.

Theo đó, trước tình hình dịch Covid-19 đang phức tạp và dự báo có thể ảnh hưởng kéo dài, yêu cầu đặt ra với ngành Du lịch Hà Nội là cần bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, đáp ứng nhu cầu của du khách. Ngành Du lịch cùng các đơn vị lữ hành, điểm đến phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên để bố trí đầy đủ nguồn lực cả về con người, trang thiết bị, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng dịch khi du lịch được tái khởi động. Việc “sống chung với dịch” cũng là một giải pháp cần tính đến để phục vụ cho mục tiêu phát triển dài hơi hơn, trên cơ sở các hoạt động du lịch phải được tính toán chặt chẽ, toàn diện và thực hiện nghiêm thông điệp “5K” (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) của Bộ Y tế. Đặc biệt, với đặc thù nhân lực ngành Du lịch luôn phải tiếp xúc với nhiều người, vì vậy, ngành Y tế và các địa phương có thể xem xét ưu tiên đối tượng này trong chiến lược tiêm phòng vắc xin Covid-19.

Cùng với nhiệm vụ bảo đảm an toàn dịch bệnh, về định hướng phục hồi, phát triển khi được phép tái khởi động hoạt động du lịch, xét trong bối cảnh dịch Covid-19 dự báo còn ảnh hưởng kéo dài, thì du lịch nội địa vẫn phải là chủ đạo. Ngay từ giờ, các đơn vị lữ hành, điểm đến, song song với nỗ lực tiếp tục vượt qua khó khăn, cần xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp để kích cầu, thu hút khách nội địa về với Thủ đô và tổ chức cho khách Hà Nội đi du lịch ngay trong thành phố.

Đặc biệt, tính dài hơi hơn, ngành Du lịch Thủ đô phải chuẩn bị về nhân lực chất lượng cao, hạ tầng tốt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động du lịch để khi dịch Covid-19 được ngăn chặn, các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ thì Hà Nội đã có ngay những sản phẩm du lịch đẳng cấp thu hút khách trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, phải mở thêm các tour, tuyến du lịch đường sông, du lịch tâm linh kết hợp du lịch nghỉ dưỡng; tiếp tục hình thành các làng ẩm thực, phố ẩm thực; thúc đẩy du lịch làng nghề; phát triển kinh tế ban đêm... Đồng thời, ngành Du lịch cần có giải pháp hiệu quả kết nối các ngành kinh tế, như văn hóa, công thương, nông nghiệp... để hình thành sản phẩm du lịch đặc thù của Thủ đô, đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Chủ động vượt qua khó khăn do dịch bệnh chính là “bệ phóng” vững chắc, bảo đảm cho mục tiêu phát triển lâu dài của ngành Du lịch Thủ đô.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1002457/bao-dam-phat-trien-lau-dai