Bảo đảm nguồn cung trước dịch tả lợn châu Phi

Hiện dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng khiến người tiêu dùng lo lắng thời gian tới mặt hàng thịt lợn sẽ tăng giá do nguồn cung thiếu hụt.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra dịch bệnh tại lò mổ Minh Hiền, huyện Thanh Oai. Ảnh: Hoài Nam

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra dịch bệnh tại lò mổ Minh Hiền, huyện Thanh Oai. Ảnh: Hoài Nam

Thịt lợn VietGap đắt hàng

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số chợ dân sinh như: Vĩnh Hồ, Phùng Khoang, Ngã Tư Sở, Kim Liên, Thành Công… những ngày gần đây sức tiêu thụ và giá bán thịt lợn đang giảm so với những ngày trước.

Chúng tôi đã yêu cầu các đội QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng và UBND huyện, UBND xã... tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, chú trọng vào các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp. Đồng thời tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành, chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông qua đó kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển kinh doanh sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Chu Xuân Kiên

Chị Trần Minh Hoa và nhiều hộ tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Thành Công chia sẻ: "Từ khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Việt Nam, lượng thịt bán ra giảm sút. Bình thường mỗi buổi chợ tôi bán được 50 – 60kg thịt lợn các loại, nhưng từ khi công bố dịch tả lợn châu Phi, lượng thịt lợn bán ra chỉ từ 25 – 30kg". Thịt lợn bán chậm là do người tiêu dùng lo ngại thịt bị nhiễm dịch nên giảm mua và chuyển sang các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác như gà, bò, cá, tôm…
Trong khi đó, tại các siêu thị thịt lợn được bày bán đa số là thịt lợn theo VietGap nên giá và sức mua vẫn ổn định. Đại diện hệ thống siêu thị Co.op mart cho biết: Trung bình một ngày hệ thống Co.op mart tiêu thụ khoảng 60 - 70 tấn thịt lợn. Hiện sức mua không giảm so với tuần trước, giá các sản phẩm từ thịt lợn vẫn đang ở mức ổn định, chưa tăng hay giảm giá dù có tác động từ thông tin dịch tả lợn châu Phi. Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Nguyên nhân thịt lợn bán tại hệ thống siêu thị giữ giá là do có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thường xuyên được kiểm tra các chỉ số kháng sinh, dịch bệnh… nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng.
Kiểm soát thị trường, đảm bảo cung cầu
Hiện 60% thịt lợn tiêu thụ tại Hà Nội được đưa lên từ các tỉnh lân cận. Trên địa bàn Hà Nội có 988 cơ sở điểm, giết mổ (chỉ có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở bán công nghiệp) còn lại là các cơ sở giết mổ trong khu dân cư chưa được kiểm soát nên việc kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh đang được lực lượng chức năng quyết liệt triển khai.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có nhiều diễn biến phức tạp, UBND TP đã ban hành Công văn số 339/VP-KT giao Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, các sở NN&PTNT, Y tế… tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
Dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường là rất lớn, và nguy cơ giá thịt lợn tăng là không tránh khỏi. Về vấn đề này lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Sở đã làm việc với nhiều DN cung cấp thịt đề nghị dự trữ nguồn hàng cho thị trường TP Hà Nội. Đồng thời cũng chủ động chuẩn bị các nguồn hàng khác như gia cầm gà, vịt để thay thế nếu bệnh dịch phát tán trên diện rộng. Đồng thời đề nghị ngành Hải quan theo dõi sát diễn biến tình hình nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt lợn, đặc biệt là các quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi, qua đó ngăn chặn thịt lợn nhiễm bệnh nhập lậu vào Việt Nam.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bao-dam-nguon-cung-truoc-dich-ta-lon-chau-phi-337917.html