Bảo đảm nguồn cung thịt lợn

Dịch tả lợn châu Phi hiện nay đã xuất hiện ở 23 tỉnh, thành phố trên cả nước, phần nào ảnh hưởng lớn đến tâm lý người tiêu dùng, khiến giá và sản lượng tiêu thụ thịt lợn ở nhiều nơi giảm mạnh. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 4, sức tiêu thụ và giá lợn hơi ở TP Hồ Chí Minh, tỉnh Ðồng Nai đã nhích lên. Các địa phương đang đẩy mạnh việc tuyên truyền và triển khai nhiều biện pháp vừa phòng tránh dịch, vừa kích cầu tiêu thụ thịt lợn.

Từ "thủ phủ" chăn nuôi…

Tỉnh Ðồng Nai được coi là "thủ phủ" chăn nuôi, với tổng đàn lợn khoảng 2,5 triệu con, lớn nhất nước. Trung bình mỗi ngày, tỉnh cung cấp từ 6.000 đến 8.000 con, cao điểm là 10.000 con cho thị trường TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam. Tuy nhiên, từ khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện ở nước ta, sản lượng tiêu thụ và giá lợn tại Ðồng Nai giảm mạnh. Theo Sở Công thương tỉnh Ðồng Nai, từ đầu tháng 2, giá lợn hơi trên địa bàn giảm từ mức hơn 53.000 đồng/kg xuống dưới 40.000 đồng/kg. Nguyên nhân, do tâm lý người tiêu dùng hạn chế mua thịt lợn vì lo ngại dịch bệnh. Người chăn nuôi cũng không dám mua thịt lợn về nhà chế biến vì sợ lây bệnh cho lợn nhà mình. Ngoài ra, hiện tượng bán tháo lợn "chạy dịch" của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng dẫn đến nguồn cung vượt trong khi sức tiêu thụ giảm cho nên giá lợn giảm…

Trước thực tế nêu trên, ngoài việc thực hiện quyết liệt việc phòng, chống dịch, các cơ quan chức năng của tỉnh Ðồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ðồng Nai Lê Văn Lộc cho biết, Sở đã làm việc với các công ty nằm trong chương trình bình ổn giá để phối hợp tăng cường thu mua, giết mổ, chế biến sâu và cấp đông thịt lợn. Cùng với đó, đề nghị các đơn vị: Sở Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp hỗ trợ, kêu gọi các cơ quan trực thuộc tăng cường sử dụng thịt lợn sạch. Ðồng thời, tính đến giải pháp xây dựng các điểm bán hàng lưu động có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kích cầu thị trường.

Sở Công thương tỉnh cũng đã lập danh sách các siêu thị, các đơn vị cung cấp uy tín và giao Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh kết nối để cung cấp thịt lợn sạch cho các bếp ăn tập thể, các cơ quan trên địa bàn. Song song với đó, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Ðồng Nai phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, treo băng-rôn ở tất cả các đường, ngõ hẻm để giải thích một cách dễ hiểu nhất cho người dân là DTLCP không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Hiện nay, giá lợn hơi đã tăng trở lại. Cụ thể, khảo sát ngày 3-4, tại huyện Thống Nhất (nơi có nhiều hộ chăn nuôi lợn nhất của tỉnh), giá bán ở mức từ 43.000 đến 44.000 đồng/kg. Theo bà Nguyễn Thị Kim Cúc, chủ trại lợn ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, có thời điểm trong tháng 3 giá lợn chỉ từ 35.000 đến 37.000 đồng/kg, giảm gần 20.000 đồng/kg so với đầu năm 2019, nhưng vài ngày trở lại đây đã tăng trở lại và đang ở mức 44.000 đồng/kg.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Kim Ðoán, giá lợn tăng trở lại vì sau khi các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền DTLCP không lây sang người, tâm lý người tiêu dùng đã ổn định trở lại nên việc tiêu thụ, sử dụng thịt lợn đã quay lại bình thường. Thị trường cung hiện chỉ bằng 2/3 nhu cầu cho nên giá lợn tăng trở lại là điều dễ hiểu.

…Ðến thị trường tiêu thụ lớn

Ở TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rất lớn, mỗi ngày có khoảng 10.000 con lợn từ các tỉnh, thành phố, các khu vực Ðông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long đưa về. Trên địa bàn thành phố hiện có 3.917 hộ nuôi lợn. Theo thống kê, mặc dù TP Hồ Chí Minh chưa xảy ra DTLCP, nhưng lượng thịt lợn giảm đáng kể so với trước đây. Tại chợ đầu mối nông sản Bình Ðiền, huyện Bình Chánh, trung bình mỗi ngày nhập về khoảng 3.000 con lợn. Khi có DTLCP xảy ra, số lợn nhập về chợ giảm khoảng 300 con/ngày. Ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, huyện Hóc Môn, trung bình khoảng 5.500 con lợn/ngày về chợ, những ngày gần đây cũng giảm từ 300 đến 500 con lợn mỗi ngày. Còn tại cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi (một trong những cơ sở giết mổ có quy mô lớn ở thành phố), mỗi đêm giết mổ trung bình khoảng 1.300 con lợn cung ứng cho thị trường thành phố, gần đây mỗi đêm cơ sở này chỉ giết mổ khoảng 900 con lợn.

Ðể kích cầu, bảo đảm nguồn thịt lợn cho người tiêu dùng, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh) đã đẩy mạnh nguồn cung thịt lợn sạch thông qua các chuỗi chợ phiên nông sản an toàn. Trung bình, một tuần tổ chức 10 chợ phiên nông sản an toàn trên địa bàn thành phố vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Thịt lợn được bán tại đây chủ yếu là thịt lợn VietGAP, đồng thời có sự kiểm tra của các đơn vị liên quan và các mẫu thịt lợn được lấy thường xuyên để kiểm tra chất lượng. Ngoài ra, Sở Công thương thành phố phối hợp các hệ thống siêu thị tăng thị phần thịt lợn sạch.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên cho biết, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã làm việc với các đơn vị chuẩn bị nguồn hàng cung cấp. Hiện các đơn vị cung cấp thịt lợn lớn đã cam kết bảo đảm nguồn thịt lợn sạch thông qua các chuỗi hệ thống siêu thị, các cửa hàng tiện ích. Mặt khác, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn có 11 điểm giết mổ lợn tập trung. Ðối với các điểm giết mổ tập trung, các quy trình được xây dựng tương đối chặt chẽ, bảo đảm vệ sinh, từ đóng dấu kiểm định thú y, giấy tờ kiểm dịch đến đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Từ đó, việc kiểm soát dịch bệnh cũng dễ dàng và thuận tiện hơn. Trong những ngày qua, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố phối hợp các ban, ngành liên tục kiểm tra tại các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ để bảo đảm nguồn cung thịt lợn sạch cho người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Quang Thuận, phường 12, quận Bình Thạnh cho biết: Nhiều người lo ngại mua thịt lợn về ăn nếu bị bệnh DTLCP sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, riêng tôi nghĩ khác. Thịt lợn bán tại TP Hồ Chí Minh được kiểm tra theo chương trình truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, cho nên thịt lợn "bẩn" khó mà được bày bán tại các chợ, nhất là các chợ lớn như chợ Bà Chiểu. Hơn nữa, tôi nghe các nhà chuyên môn nói, vi-rút DTLCP không lây sang người, nếu chúng ta sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, không sử dụng các sản phẩm tái sống, chưa được nấu chín kỹ thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Không riêng gia đình tôi, nhiều bà nội trợ ở quanh đây đều không có ai quay lưng với thịt lợn. Qua thực tế, có thể thấy tính đến thời điểm hiện nay, nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến của ngành chăn nuôi lợn.

Cao Tân và Thiên Vương

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/39762302-bao-dam-nguon-cung-thit-lon.html