Bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống

Chiều 31-3, Bộ Công thương đã yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp phân phối lớn thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống:

Theo đó, các Sở và doanh nghiệp phân phối lớn báo cáo tình hình cung cầu và hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, trong đó chú trọng vào mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng có nhu cầu cao trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19;

Có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang... Căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu, theo 05 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly;

Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động; tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có);

Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm vừa bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, đến nay tất cả các địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân

* TP Hồ Chí Minh bảo đảm nguồn cung hàng hóa

Người dân mua hàng hóa tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Cao Tân).

Người dân mua hàng hóa tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Cao Tân).

Chiều 31-3, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi đến Sở Thông tin và Truyền thông, UBND 24 quận, huyện để tuyên truyền cho người dân về hoạt động của các chợ, siêu thị... trên địa bàn thành phố.

Văn bản nêu rõ, các đơn vị kinh doanh hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch dự trữ, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Các chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường sau 0 giờ ngày 1-4 để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố.

Sở Công thương khuyến cáo, người dân hạn chế đến các điểm mua bán tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần khuyến cáo của Bộ Y tế về bảo đảm khoảng cách tối thiểu 2 m giữa hai người, và tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.

Trước đó, trong báo cáo về diễn biến cung cầu hàng hóa thiết yếu và các giải pháp ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Sở Công thương đã xây dựng ba tình huống để cung ứng hàng hóa cho người dân với số ca nhiễm mới dưới 100, dưới 300 và dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Sở Công thương thành phố cũng cho biết, các doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30-40% so với ngày thường, sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, hệ thống phân phối. Cụ thể, lương thực hơn 3.830 tấn/tháng, đường 2.017 tấn/tháng, dầu ăn 1.072 tấn/tháng, thịt gia súc hơn 6.238 tấn/tháng, thịt gia cầm 8.748 tấn/tháng, trứng gia cầm 71,9 triệu quả/tháng, thực phẩm chế biến 728,9 tấn/tháng, rau củ quả 7.395 tấn/tháng, thủy hải sản 184,5 tấn/tháng, gia vị 634,8 tấn/tháng...

Đồng thời, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50-100% trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn. Do đó, người dân yên tâm, không mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm trong thời điểm hiện nay, gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng thị trường; chấp hành nghiêm yêu cầu không tập trung đông người, không ra khỏi nhà khi không cần thiết.

X.B; CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43858302-bao-dam-nguon-cung-hang-hoa-thiet-yeu-trong-moi-tinh-huong.html