Bảo đảm lợi nhuận cho nông dân vùng lúa gạo sạch Vĩnh Long

Ngày 16-8, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo tổng kết ba năm mô hình Hợp tác xã sản xuất lúa gạo sạch theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (HTX).

Cánh đồng lúa xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Đồng chí Trương Văn Sáu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long; đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư và đại diện các ngành, các trường đại học lớn của ĐBSCL dự hội thảo.

Mỹ Lộc là xã nông thôn có diện tích tự nhiên 2.006 ha với 8.000 dân. Toàn xã có 1.202 ha ruộng, 338 ha vườn với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, tập trung sản xuất lúa là chính. Năm 2016, Hợp tác xã Tân Tiến (HTX) ra đời như mô hình thử nghiệm nhằm bảo đảm lợi nhuận cho nông dân, bước đầu thực hiện trên diện tích hơn 31 ha.

Những khó khăn ban đầu của chương trình đã được từng bước khắc phục, bao gồm: nông dân khó tiếp thu kỹ thuật, ghi chép sổ tay, giá lúa thu mua không ổn định, nông dân tranh giành hợp đồng tiêu thụ nông sản, nông dân quen sử dụng phân hóa học, lúa gạo Thái-lan đang xâm nhập mạnh vào thị trường nội địa.

Kết quả tổng kết ba năm triển khai cho thấy mô hình HTX sản xuất lúa gạo sạch theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Mỹ Lộc đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, năng suất bình quân từ gần 4 tấn/ha trong vụ hè thu 2016 tăng lên hơn 6 tấn/ha vụ đông xuân 2017, 2018. Thu nhập của các hộ nông dân đạt mức hơn 14 triệu đồng/ha lên đến hơn 30 triệu đồng/ha.

Thí dụ, năm 2017, lợi nhuận HTX ước tính hơn 40 triệu đồng/ha/năm so với năm 2016 chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/ha/năm. Riêng năm 2018, đạt mức hơn 40 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 10 triệu đồng so cùng kỳ năm trước đó.

Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và tập quán canh tác từ sản xuất sử dụng phân thuốc hóa học sang sử dụng phân sinh học. Các cánh đồng sản xuất lúa gạo sạch đã xuất hiện tôm, cua, cá; sức khỏe của người nông dân cũng được cải thiện sau khi không còn dùng thuốc trừ sâu hóa học.

Để có được kết quả tích cực như vậy, bên cạnh việc nỗ lực cải tiến cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững của tỉnh Vĩnh Long và tâm huyết của các xã viên, chương trình đã giải quyết được bài toán lớn quan trọng nhất của tất cả các dự án sản xuất đó chính là đầu ra của sản phẩm. Theo đó, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh-Saigon Co.op đã sớm chủ động tham gia cố vấn tiêu chuẩn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong diện tích lúa sạch của chương trình.

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, việc đơn vị này tham gia chuỗi giá trị kúa gạo sạch theo hướng hữu cơ là muốn hướng đến nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững và loại bỏ bớt các khâu trung gian, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân thực hiện sản xuất tốt và giá cả các sản phẩm hướng hữu cơ khi đến tay người tiêu dùng cũng là giá tốt nhất. Saigon Co.op cũng cam kết điều chỉnh thu mua theo hướng có lợi nhất để để người trồng yên tâm sản xuất.

Ước tính giá thu mua lúa tươi sạch theo hướng hữu cơ của Saigon Co.op luôn bảo đảm cao hơn thị trường 40%. Hiện hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, Co.op Food đã tham gia tiêu thụ hai dòng sản phẩm của dự án sản xuất lúa gạo sạch là gạo Jasmine từ tháng 9-2016 và dòng gạo Hương Xuân từ tháng 8-2018 với bao bì quy cách đóng gói đẹp 2kg với sức tiêu thụ trung bình gần 20 tấn lúa gạo sạch hướng hữu cơ của dự án mỗi tháng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/37331702-bao-dam-loi-nhuan-cho-nong-dan-vung-lua-gao-sach-vinh-long.html