Bảo đảm khoản vay ngân hàng: mòn mỏi chờ nghị định

Đã hơn một năm rưỡi kể từ ngày Bộ luật Dân sự (BLDS) mới có hiệu lực, các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn phải 'mòn mỏi' chờ đợi nghị định hướng dẫn phần quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bộ luật này. Thực tế đáng buồn này đang vô tình gây rất nhiều khó khăn, thậm chí bế tắc cho các TCTD và khách hàng của mình khi xác lập và thực hiện giao dịch.

Việc xử lý tài sản thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai vẫn đang chờ các hướng dẫn trong phần quy định chung về giao dịch bảo đảm. Ảnh: THÀNH HOA

Thiếu quy định...

Một ngân hàng nọ đã tìm được một khách hàng có uy tín trên thị trường để cấp một khoản vay có giá trị lớn. Hai bên dự kiến xác lập một hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ để bảo đảm cho khoản vay do khách hàng này không còn các nguồn tài sản bảo đảm truyền thống khác như bất động sản, trong khi lại có các quyền đòi nợ rất “hấp dẫn” đối với ngân hàng.

Tuy vậy, khi hai bên tiến hành đàm phán hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ thì lại gặp một cản trở pháp lý rất lớn là biện pháp bảo đảm này không được quy định trong BLDS. Thậm chí, cho dù luôn được coi là loại quyền tài sản điển hình nhất, song quyền đòi nợ cũng không xuất hiện trong khái niệm quyền tài sản của BLDS. Chính điều này làm cho việc thế chấp loại tài sản này trở nên mong manh hơn.

Cũng cần nói thêm rằng, đây là một biện pháp bảo đảm rất phổ biến và chiếm ưu thế trong danh mục tài sản bảo đảm tại các nước phát triển và rất có tiềm năng trở thành biện pháp bảo đảm chính trong cấp tín dụng có bảo đảm cho doanh nghiệp ở Việt Nam trong tương lai gần.

Tương tự, khi việc nhận và xử lý thế chấp phần vốn góp gặp rất nhiều khó khăn trong thực tế, do pháp luật về doanh nghiệp thiếu quy định, các TCTD hoàn toàn có quyền (chính đáng) chờ đợi các hướng dẫn trong phần quy định chung về giao dịch bảo đảm. Chỉ có điều BLDS hiện không có quy định chuyên biệt nào về biện pháp bảo đảm này. Việc xử lý tài sản thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai dường như cũng đang phải chịu chung số phận.

Ngay cả việc sử dụng thẻ tiết kiệm làm tài sản bảo đảm cũng ít nhiều bị đảo lộn bởi quy định mới của BLDS. Bởi vì theo quy định cũ của pháp luật về giao dịch bảo đảm và quy định hiện nay của Ngân hàng Nhà nước, cầm cố là biện pháp bảo đảm áp dụng cho thẻ tiết kiệm; trong khi đó, nếu áp dụng theo quy định của BLDS về cầm cố thì sẽ có rủi ro lớn cho TCTD nhận cầm cố thẻ tiết kiệm do một TCTD khác (là bên nhận tiền gửi) phát hành. Thực vậy, do cầm cố tài sản chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố (khoản 2, điều 310, BLDS) nên biện pháp cầm cố của TCTD trong trường hợp này không có hiệu lực đối kháng với TCTD nhận tiền gửi, bởi chỉ có TCTD nhận tiền gửi mới là bên nắm giữ số dư tài khoản tiền gửi tiết kiệm là đối tượng của cầm cố. Nói cách khác, nếu TCTD nhận tiền gửi sau đó nhận cầm cố chính thẻ tiết kiệm này, thì sẽ có quyền ưu tiên thanh toán cao hơn so với TCTD nhận cầm cố ban đầu cho dù xác lập cầm cố sau. Hơn nữa, TCTD nhận tiền gửi hoàn toàn có thể thực hiện việc bù trừ nghĩa vụ nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật, gây bất lợi cho TCTD nhận cầm cố ban đầu. Vướng mắc này chỉ có thể được giải quyết nếu nghị định hướng dẫn công nhận thế chấp là biện pháp bảo đảm áp dụng đối với số dư tài khoản (bao gồm cả số dư tài khoản tiền gửi tiết kiệm), bởi vì khi đó thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ được xác lập theo thứ tự đăng ký thế chấp.

Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều trường hợp đã và đang xảy ra trong thực tế để minh chứng cho sự cần thiết phải ban hành một nghị định hướng dẫn chi tiết một số quy định của BLDS về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cũng cần nhấn mạnh thêm là BLDS mới đã quy định một số chế định pháp lý mới có ảnh hưởng trực tiếp tới việc xác lập, quản lý và xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD như quyền bề mặt, quyền hưởng dụng, bảo lưu quyền sở hữu... song hiện vẫn còn thiếu vắng các quy định rõ ràng về hệ quả pháp lý của các chế định pháp lý này đối với các biện pháp bảo đảm khoản vay của các TCTD. Đặc biệt, BLDS dù đã trao cho TCTD quyền truy đòi tài sản bảo đảm nhưng lại không nêu rõ cơ chế để thực thi quyền này như thế nào. Điều này gây ra không ít băn khoăn cho các TCTD và có nguy cơ dẫn tới các cách giải thích khác nhau khi áp dụng.

Nói một cách công bằng, nếu xét tình trạng các quy định hiện nay của BLDS, thì sẽ không thực sự khó khăn trong việc lập ra một danh sách các điểm cần hướng dẫn hay quy định chi tiết.

Vì đâu?

Việc phải chờ đợi quá lâu nghị định hướng dẫn ít nhiều gây thất vọng cho các TCTD và khách hàng. Được biết, dự thảo nghị định này đã được Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm chủ trì soạn thảo (một cách khá công phu với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia đến từ nhiều đơn vị khác nhau) và đã ở trạng thái “sẵn sàng” để Bộ Tư pháp trình Chính phủ thông qua ngay vào đầu năm 2017 - là thời điểm mà BLDS có hiệu lực. Sự “chần chừ” của Bộ Tư pháp được hiểu là để chờ xem trong thực tế có phát sinh vấn đề gì liên quan đến việc áp dụng phần quy định của BLDS về các biện pháp bảo đảm hay không. Cũng được “thai nghén” trong cùng thời điểm, Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm đã được ban hành vào ngày 1-9-2017.

Là một nền pháp luật tiên tiến, nhất là trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm, pháp luật Pháp đưa các quy định về các biện pháp bảo đảm vào trong BLDS (Code civil). Được quy định một cách cụ thể, chi tiết ngay trong luật, do đó chúng có thể thi hành ngay mà không cần văn bản hướng dẫn. Song dường như đây không phải là cách tiếp cận của các nhà lập pháp Việt Nam. Thực vậy, phần quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của BLDS hiện hành (từ điều 292 đến điều 350) rõ ràng là chưa đủ để tạo lập một hành lang pháp lý chi tiết và hoàn thiện về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và do đó việc ban hành nghị định hướng dẫn (hay nói theo ngôn ngữ của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nghị định quy định các biện pháp thi hành) dường như là điều tất yếu. Trước đây, bên cạnh các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của BLDS năm 2005, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (được bổ sung, sửa đổi năm 2010 và năm 2012) quy định chi tiết và hướng dẫn áp dụng các quy định về giao dịch bảo đảm của BLDS. Hai văn bản này bổ sung cho nhau và tạo ra hành lang pháp lý khá hiệu quả về giao dịch bảo đảm (được ghi nhận rộng rãi trong thực tế), đồng thời là cơ sở để ban hành một số văn bản quy định chi tiết khác về lĩnh vực này.

Từ thực tiễn áp dụng BLDS và ngay cả dưới góc độ học thuật, cần lắm một nghị định hướng dẫn như thế! Ai cũng hiểu tín dụng là mạch máu của nền kinh tế và các biện pháp bảo đảm hiệu quả là “đòn bẩy” cho lòng tin của TCTD khi cấp tín dụng cho khách hàng của mình.

(*) Đại học Paris 2, Pháp

TS. Bùi Đức Giang (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276697/bao-dam-khoan-vay-ngan-hang-mon-moi-cho-nghi-dinh-.html