Bảo đảm giao thông trong dịp Tết

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, mật độ giao thông trên địa bàn Thủ đô tăng mạnh so với những ngày trước, do nhu cầu đi lại để giao thương, mua sắm, thăm hỏi của người dân tăng đột biến. Vào các giờ cao điểm, tại các tuyến đường cửa ngõ, đường xuyên tâm, nút giao thông trọng điểm tại Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện tình trạng ùn ứ giao thông. Tuy nhiên, đúng vào thời điểm này, một số đơn vị của thành phố lại đồng loạt thi công lát lại vỉa hè, bó vỉa, cào bóc để thảm lại mặt đường, hạ ngầm hoặc sắp xếp lại các đường dây nổi trên hàng chục tuyến phố nội thành.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, từ cuối tháng 11-2019 đến hết quý I-2020, các đơn vị thi công cải tạo, sửa chữa, mở rộng mặt đường 46 tuyến đường trên địa bàn. Do vừa thi công vừa khai thác, cho nên các nhà thầu thi công từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh, đi lại của người dân, khiến dư luận khá bức xúc. Chị Nguyễn Thúy Hương, ở phố Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm phản ánh: “Không hiểu vì lý do gì mà các đơn vị lại chọn đúng thời điểm gần Tết Nguyên đán, khi người dân bắt đầu vào mùa cao điểm kinh doanh, buôn bán để thảm lại mặt đường, gây bụi bẩn và làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân. Chúng tôi mong các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công để bảo đảm đường sá thông suốt, bộ mặt phố phường sạch, đẹp để người dân đón Tết”.

Trước tình trạng này, mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công công trình đào hè, đào đường (cấp nước, thoát nước, hạ ngầm điện lực, viễn thông...) trên các tuyến đường, phố thuộc địa bàn thành phố phải hoàn trả mặt đường trước ngày 14-1-2020 (ngày 20 tháng Chạp năm Kỷ Hợi). Thời gian tạm dừng đến ngày 29-1-2020 (tức mồng 5 tháng Giêng năm Canh Tý), trừ một số công trình trọng điểm đã được UBND thành phố Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội cấp phép. Đến sáng 9-1, một số tuyến đường đang thi công vẫn còn ngổn ngang. Hè phố Lò Đúc, đoạn từ ngã ba phố Y-éc-xanh đến phố Nguyễn Cao mới được lát đá, nhưng vật liệu còn thừa vẫn xếp thành những đống lớn trên hè. Phố Trần Quang Khải có nhiều đoạn đường cũ bị bóc ra nhưng chưa được thảm mới, tạo thành các rãnh sâu, các phương tiện đều phải giảm tốc độ khi đi qua đây.

Bên cạnh đó, từ ngày 9-1 đến 24-1 (tức từ 15 đến 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi), một số tuyến phố trong khu phố cổ gồm: Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Khoai (từ ngã tư Hàng Giấy đến ngã ba Hàng Khoai - Hàng Lược), Hàng Mã (từ ngã tư Hàng Cót - Hàng Gà đến ngã tư Hàng Đường - Đồng Xuân) và Phùng Hưng (đoạn ngã ba Lê Văn Linh đến Hàng Cót) tổ chức họp chợ hoa Xuân, các phương tiện không được lưu thông qua các phố này. Nếu các tuyến phố chung quanh khu vực này chưa hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang sẽ gây khó khăn không nhỏ cho việc đi lại của người dân.

Đề nghị Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố, kịp thời sửa chữa các hư hỏng. Các đơn vị quản lý đường kiểm tra việc hoàn trả mặt đường, công tác bảo hành của các đơn vị thi công đào đường, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Các ngành chức năng của thành phố cần phối hợp đồng bộ để đẩy nhanh quá trình thi công, giải ngân các công trình từ ngay sau mùa mưa, không nên thi công vào dịp giáp Tết Nguyên đán như năm nay, gây khó khăn cho việc đi lại, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42880302-bao-dam-giao-thong-trong-dip-tet.html