Bảo đảm giao thông thông suốt tại trạm thu phí BOT trong dịp Tết

Ngày 11-2, đơn vị quản lý trạm thu phí BOT Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, đơn vị này đã làm việc với công an địa phương để phối hợp việc điều phối giao thông thông suốt trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về tình hình trật tự ATGT trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, do có phương án chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức phân luồng hợp lý và tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông; đồng thời, người dân được cung cấp thông tin đã chủ động chọn thời điểm đi lại tránh tập trung những khoảng thời gian cao điểm nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài đã giảm đáng kể so với những năm trước. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra ùn tắc tại một số trạm thu phí BOT, tuyến đường trục chính tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Lực lượng chức năng đã ứng trực kịp thời xử lý sự cố và đưa giao thông thông suốt trở lại.

Trước đó, hồi tháng 8-2018 trạm thu phí Ninh Lộc “nóng” bởi một số đối tượng cố tình gây rối, làm mất an ninh trật tự, tắc nghẽn giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Ninh Hòa. Công ty CP BOT Đèo Cả Khánh Hòa, đơn vị quản lý trạm thu phí, đã làm việc với cơ quan chức năng để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân cũng như ngăn chặn những hành vi gây rối. Có thể thấy, tình trạng quấy rối, gây mất trật tự ATGT tại một số trạm thu phí có nguyên nhân từ việc cơ quan chức năng chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

Trạm thu phí BOT trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đón lượng phương tiện tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2019.

PGS, TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Chủ trương BOT của nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương đó còn có hạn chế tại một số dự án cụ thể. Mặc dù vậy, không thể đánh đồng dự án BOT là xấu hay nhà đầu tư nào cũng xấu. Không nên phủ nhận hoàn toàn những lợi ích mà công trình BOT mang lại cho xã hội. Cần phải giúp một bộ phận người dân hiểu rõ bản chất của các dự án BOT”.

Theo quy định, việc thu phí qua các trạm BOT do Nhà nước quản lý giá trần. Doanh nghiệp BOT muốn ấn định mức thu phí phải có văn bản đề xuất với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Tài chính. Ngoài ra, doanh nghiệp BOT muốn tăng phí qua trạm BOT cũng phải xin ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước. Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định hiện hành, Bộ GTVT là cơ quan ban hành mức phí dịch vụ đường bộ tại các dự án đầu tư xây dựng để kinh doanh. Trước đây, Thông tư 159 của Bộ Tài chính quy định, định kỳ 3 năm kể từ năm 2016 sẽ xem xét, điều chỉnh tăng phí một lần. Hiện nay, trong các hợp đồng BOT đã ký, tạm ký với nhà đầu tư đều quy định như vậy. Như vậy, chủ trương đầu tư, ban hành mức phí, quyết định đặt trạm thu phí là do Bộ GTVT quyết định, nhà đầu tư chỉ là đơn vị thực hiện theo hợp đồng.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ nghiên cứu, chỉnh sửa quy định theo hướng bỏ trần mức phí tại các dự án BOT xây mới, dự án đường cao tốc. Mức trần phí BOT tùy doanh nghiệp quyết định, Nhà nước chỉ quy định mức trần tại các dự án BOT đường độc đạo, đưa mức giá dịch vụ của các dự án đường cao tốc tuân theo cơ chế của nền kinh tế thị trường, phương tiện đi đường tốt được phục vụ với chất lượng cao thì phải trả giá cao. Đối với những đối tượng kích động, gây rối, cầm đầu, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ GTVT trích xuất dữ liệu các camera đặt tại trạm thu phí để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Năm 2019, để giải quyết triệt để các vấn đề còn bức xúc tại các trạm thu phí BOT, nhà đầu tư, người dân kỳ vọng các ngành chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, hài hòa lợi ích của người dân, bảo đảm ATGT, an ninh trật tự.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/bao-dam-giao-thong-thong-suot-tai-tram-thu-phi-bot-trong-dip-tet-566207