Bảo đảm giảm nghèo bền vững

Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên một trong những thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải 'gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội'.

Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên một trong những thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải "gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội".

Trong đó, "khuyến khích làm giàu hợp pháp" nhưng cũng phải "đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững". Bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa chính là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Dân giàu thì nước mới mạnh. Chính vì thế, sự phát triển của đất nước nếu chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người nào đó, làm cho sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội trở nên sâu sắc hơn thì không phải bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư đã khẳng định, những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong thời gian qua chính là nhờ vào sự hài hòa, thống nhất giữa chính sách phát triển kinh tế với chính sách bảo đảm an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra trong từng giai đoạn phát triển. Dù trên lĩnh vực nào, những chủ trương, đường lối của Đảng cũng đều hướng đến mục tiêu là làm sao để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đó chính là nền tảng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Thực tế tại TP Hồ Chí Minh là minh chứng sinh động cho đường lối đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện công tác giảm nghèo song song với thúc đẩy phát triển kinh tế. Có thể nói, chương trình "xóa đói giảm nghèo" là một sáng tạo của thành phố trong quá trình phát triển kinh tế, đồng thời chăm lo an sinh xã hội. Chương trình đã được đề ra từ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 5 (tháng 10-1991) với mục tiêu ban đầu là xóa đói, cơ bản giải quyết cái ăn hằng ngày, chống tái đói cho người dân. Qua từng giai đoạn phát triển, chuẩn nghèo của thành phố luôn được nâng lên để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người dân thành phố và thường cao gần gấp đôi chuẩn nghèo quốc gia. Điểm đặc biệt trong chính sách giảm nghèo của thành phố là các hộ nghèo và hộ cận nghèo khi đã vượt qua chuẩn hộ cận nghèo sẽ được các địa phương lập danh sách, tiếp tục theo dõi. Các hộ này sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ theo diện hộ cận nghèo trong 12 tháng để bảo đảm không tái nghèo. Với nhiều giải pháp sáng tạo, đồng bộ, thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, sẽ cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, và chỉ còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố.

TP Hồ Chí Minh đang phấn đấu trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Cùng với việc tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, bảo đảm giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân luôn là một trong những mục tiêu mà thành phố đặc biệt quan tâm.

HOÀNG NGỌC THỊNH (Đường 174, Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/bao-dam-giam-ngheo-ben-vung-648314/